Trước những tranh luận xung quanh câu chuyện lương, thưởng của giáo viên, với tư cách một giáo viên dạy cấp ba ở TP HCM được 25 năm, tôi xin góp một chút chia sẻ về nghề để các bạn hiểu và có cái nhìn chính xác hơn về nghề giáo:
Về thời gian nghĩ Tết, khoảng 24 Âm lịch là chúng tôi đã được nghỉ (trước khi nhà trường có tổ chức hội chợ Xuân cho học sinh, chỉ có giáo viên trẻ và giáo viên chủ nhiệm là phải tham gia cùng).
Về tiền thưởng Tết, thực tế khoản này cũng khá chứ không như nhiều người nghĩ là bèo bọt. Như năm rồi, tôi lãnh trên chục triệu đồng, gồm: tiền chia từ quỹ lương, tiền phúc lợi, tiền của thành phố...
Về nghỉ hè, chúng tôi tổng kết năm học từ 20/5, tất cả giáo viên phải hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ (như điền học bạ), ai nào làm xong sớm được nghỉ sớm. Chỉ có giáo viên cuối cấp là vẫn tiếp tục dạy thêm các môn thi chuyển cấp, nhưng họ đều được chia tiền công vì học sinh phải đóng tiền để học luyện thi.
Với các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (ba ngày đầu tháng 6), kỳ thi chuyển cấp của lớp 9 (trong 1,5 ngày), công tác coi thi, chấm thi được trường phân công. Số lượng giáo viên tham gia tính theo chỉ tiêu của Sở đưa xuống, do đó, một trường chỉ có một số giáo viên tham gia công tác này thôi. Coi thi và chấm thi cũng đều có tiền bồi dưỡng theo quy định. Ngoài hai kỳ thi đó, giáo viên được nghỉ hè đến đầu tháng 8 mới phải tập trung chuẩn bị cho năm học mới, tham gia các buổi học, tập huấn... Thế nên, dù giáo viên không có đủ ba tháng nghỉ hè hoàn toàn, nhưng ít nhất cũng phải được hai tháng.
>> Tết thầy
Tôi cũng xin mô tả thực tế một ngày làm việc của giáo viên đứng lớp trực tiếp để các bạn hiểu hơn về nghề này. Một tuần, tôi dạy 20 tiết (16 tiết thực dạy và hai tiết chủ nhiệm được tính thành bốn tiết). Một tuần tôi dạy năm buổi sáng (nghỉ một ngày bộ môn). Tôi soạn giáo án điện tử nên chỉ cần đầu tư trong năm đầu, các năm sau sử dụng lại, bổ sung thêm một vài điểm mới.
Về chấm bài, mỗi tháng cũng chỉ có hai bài kiểm tra (15 phút và một tiết) nên cũng không quá vất vả. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu được nhà trường tổ chức trái buổi trong năm học và không phải giáo viên nào cũng được dạy. Những người được chọn tham gia công tác này đều được tính tiền dạy ngoài giờ. Buổi chiều, tôi thường xin đi dạy thỉnh giảng ở các trường tư thục (đây là cách kiểm thêm của tôi).
Sau nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi thừa nhận một số bạn bè đồng nghiệp của mình, có người vừa đi dạy, vừa đi bán xe bánh mì; có người nhận đồ gia công, đồ may về làm thêm; thậm chí có người chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập...
Tuy nhiên, tôi cho rằng những hình ảnh đó không hề xấu, tùy vào lựa chọn của mỗi người. Và cũng không phải tất cả giáo viên đều có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Thế nên, nếu nói tất cả giáo viên Việt đều có công việc áp lực nhưng lương thấp, thưởng bèo bọt, đến mức không đủ sống sẽ là một nhận định phiến diện.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.