Có người nói "giáo viên lương thấp chẳng qua vì trình độ chuyên môn không cao", nhưng thực tế, có làm nghề này rồi mới hiểu, trình độ cao không hẳn sẽ kiếm được nhiều tiền đối với nghề dạy học. Không như các ngành nghề khác, khi bạn giỏi, không làm chỗ này bạn có thể sang chỗ khác, lúc nào cũng có người trọng dụng và sẵn sàng trả lương cao hơn. Còn đối với ngành giáo dục, lương giáo viên được tính theo bậc của nhà nước quy định. Nếu giáo viên giỏi, có chăng phải dạy thêm nhiều thì mới kiếm thêm được thu nhập.
Nhưng để dạy thêm được hay không còn tùy từng khu vực, tùy địa phương, tùy môn học. Giờ giáo viên dạy Địa lý, Lịch sử, dù có là Tiến sĩ đi nữa cũng đâu dạy thêm được vì có học sinh nào học đâu? Và nếu là giáo viên có tâm, họ cũng sẽ không bất chấp mà bắt học sinh đi học thêm để thu tiền. Một số giáo viên bắt học sinh học thêm nếu không sẽ bị điểm kém, một số "con sâu" như vậy vô tình "làm rầu nồi canh", khiến nhiều người nghĩ chung là giáo viên nào cũng bắt học sinh học thêm để kiếm tiền.
Mấy đứa em họ của tôi (học nhiều ngành nghề khác nhau), khi ra trường đi làm, chỉ cần hai năm mà tiền chúng kiếm được đã bằng giáo viên như tôi dạy cả chục năm trời. Trong khi đó, các em đi làm không bị áp lực do chèn ép từ cấp trên. Bởi khi công việc không đem lại sự thoải mái, chúng có thể chuyển chỗ khác làm ngay lập tức. Thậm chí, có đợt công ty không có đơn hàng, người ta vẫn phải trả lương cho nhân viên bình thường dù chỉ đến công ty ngồi chơi, vì nếu không làm vậy, đến khi có việc cũng khó mà tuyển được người đã quen việc.
Có người nói "nếu không sống được với nghề giáo thì đi làm việc khác, để cho người khác dạy". Nhưng thực tế đâu phải luôn có hàng dài sinh viên Sư phạm xếp hàng chờ được dạy? Giờ người ta còn chẳng thèm đi dạy học sau khi học xong Sư phạm ấy chứ. Giáo viên lúc nào cũng thiếu trầm trọng nhưng nguyên chuyện tuyển mới thôi cũng là cả một vấn đề.
>> Định kiến 'giáo viên phải nghèo vì nghề cao quý'
Năm 2013, tỉnh tôi tuyển 110 giáo viên nhưng có tới 2.500 hồ sơ nộp. Đến năm nay, nhiều trường tuyển giáo viên nhưng một số môn kiếm không ra người dạy luôn. Còn lớp đại học của bạn tôi, cả lớp hiện có hơn chục đứa đi dạy, còn lại toàn làm việc khác hết. Cho nên, câu chuyện thiếu hụt giáo viên đang ngày một trở nên trầm trọng hơn, chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Nghề nào cũng vậy, lương thấp thì phải than, chẳng lẽ cứ phải cắn răng chịu, không nói gì? Bạn kinh doanh, bạn làm cho công ty mà lương thấp thì có than không? Công nhân tăng ca mệt nhoài, họ than đó nhưng vẫn không bỏ việc. Còn bác sĩ, giáo viên, học 4-7 năm đại học, ra trường đi dạy, đi khám, không chỉ vì đồng lương mà còn vì tình yêu với cái nghề đó, đôi khi biết thấp đó nhưng còn trụ được họ vẫn cố không bỏ nghề. Nhưng điều đó không có nghĩa là lương như vậy đã đủ với họ.
Chuyện giáo viên, nhân viên y tế bỏ việc, đài báo dạo này cũng nói nhiều rồi. Hiện nhiều nơi thiếu giáo viên trầm trọng nhưng không tìm được nguồn nhân lực thay thế. Mặc dù, mỗi năm các trường đào tạo khá nhiều sinh viên Sư phạm ra trường, nhưng họ lại chuyển sang làm nghề khác vì nghề giáo xin việc đã khó mà lương lại thấp. Chuyện phấn đấu trong ngành này cũng không đơn giản. Công ty tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, lương ăn theo năng lực, theo thành tích thì dễ phấn đấu. Chứ làm giáo viên, dù bạn có dạy giỏi thì lương cũng vẫn vậy.
Muốn kiếm thêm, giáo viên chỉ có cách dạy thêm. Nhưng dạy thêm lại là chuyện khác, người ta đi làm tám tiếng có thể về nhà nghỉ ngơi, vậy bắt giáo viên dạy thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống có phải quá bất công với họ?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.