Tôi là giáo viên, vào biên chế từ năm 2007, với mức lương tập sự 1,7 triệu đồng, trong khi đi làm cứ phải ngó ý các cấp trên. Mỗi dịp Tết, tôi phải đến thăm sếp, thường xuyên bị lôi đi uống rượu giao lưu. Nhà trường và ngành Giáo dục lâu nay vẫn phát động nhiều phong trào động viên giáo viên nâng cao năng lực tin học, áp dụng công nghệ trong dạy học và đặc biệt là việc dạy học thông qua bài giảng trình chiếu...
Người ta hô hào vậy nhưng hâu như chẳng ai hiểu rằng, muốn dạy học như thế tại lớp thì giáo viên cần có ít nhất một chiếc laptop, trong khi lương giáo viên như tôi lúc đó thì khác nào một sự đánh đố giáo viên? Những người có mong muốn nâng cao năng lực sẽ chỉ có hai lựa chọn: xin tiền bố mẹ hoặc đi làm thêm. Đây cũng chính là một trong những lý do lớn nhất khiến tôi bỏ biên chế ngay sau năm đầu tiên đi làm.
Ra ngoài để làm giáo viên trường tư, dù cả gia đình tôi phản đối (vì trường công tôi đang dạy ở gần nhà lại là trường có tiếng). Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm bỏ biên chế để có một cuộc sống tốt hơn. Năm 2012, tôi được tuyển vào một trường song ngữ với mức lương khởi điểm 14 triệu đồng. Làm việc bao nhiêu năm, nhưng tôi vẫn chẳng biết nhà sếp ở đâu vì không bao giờ phải lo quà cáp biếu xén và đôi lúc uống rượu cũng là vì quan hệ anh em vui vẻ. Nói chung, đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy ân hận vì quyết định rời biên chế của mình.
Người ta hay thắc mắc vì sao giáo viên hay bác sĩ bây giờ không còn cống hiến nhiều như xưa? Người giỏi chẳng còn mấy ai chịu về môi trường công lập nữa. Họ lần lượt chuyến tới những cơ sở tư - nơi mà bạn phải trả nhiều tiền mới có thể được sử dụng dịch vụ.
>> Cào bằng lương bác sĩ - công nhân
Em tôi và một người bạn cùng là giáo viên mầm non, đã bỏ hẳn biên chế để đi làm công nhân một tập đoàn nước ngoài, với thu nhập gấp gần 10 lần so với lương giáo viên. Em bảo "không thể ở lại để nhìn con mình chết đói được". Giáo viên mầm non ở quê tôi còn gắn bó với nghề, phần lớn là do thu nhập gia đình đã có chồng gánh vác. Chứ những ai mà chồng cũng có thu nhập thấp thì hầu như đều bỏ việc.
Các em tôi làm công nhân, chưa thấy ai lương dưới tám triệu đồng một tháng cả. Còn giáo viên trường công, thử hỏi được bao nhiêu người nhận về hơn năm triệu một tháng?
Tôi từng làm việc ở một trường tư có tiếng, cũng phải thực hiện cả đống quy định và có cả quy định về đối nhân xử thế như không nhận quà hay phong bì, luôn cư xử đúng mực và thậm chí cấm chỉ tay... Nếu ai thực hiện sai sẽ bị phạt từ vài trăm đến vài triệu đồng. Nhưng đi kèm với nó là mức lương lên đến 30 triệu đồng một tháng, gấp 5-6 lần so với giáo viên trường công. Ai từng làm kinh doanh thì đều hiểu muốn tăng chất lượng phục vụ thì phải đi kèm với chi phí dịch vụ.
Tôi giờ tự làm trung tâm riêng cũng vậy, để tuyển được những giáo viên hay nhân viên vừa giỏi lại vừa có tâm thì phải đưa ra mức lương đủ hấp dẫn chứ không thể nói mồm được.
Tóm lại, hãy tự đặt câu hỏi: bạn có chấp nhận được giáo viên đi làm công nhân không? Ngược lại, bạn có chấp nhận công nhân chăm sóc, dạy học cho con bạn không? Rất nhiều giáo viên, y bác sĩ đã bỏ nghề ra làm công nhân. Tuy nhiên, tôi chưa thấy công nhân nào bỏ nghề đi làm giáo viên hay bác sĩ được cả. Đừng nghĩ rằng nghề nào cũng như nhau, bởi mỗi công việc khác nhau lại có một sứ mệnh khác nhau.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.