Tôi rất dị ứng với quan điểm "giáo viên nghèo mà tốt". Trong xã hội hiện đại, một giáo viên tốt không nhất định cứ phải nghèo. Tôi nhớ nhất một câu nói của học sinh nọ hỏi thầy giáo rằng: "Thầy cứ bảo học môn của thầy là tốt, môn của thầy là hay, nhưng sao thầy tiếp xúc môn ấy nhiều mà lại nghèo vậy?". Rõ ràng, học sinh bây giờ rất khác học sinh xưa, nhất là các em sống ở khu vực thành thị.
Ở đây, tôi nói là "nghèo" theo đúng nghĩa đen. Giáo viên đi dạy, nói chung là không giàu, nhưng cũng không hẳn là nghèo. Đặc biệt giáo viên đã dạy tốt thì họ thường sẽ biết cách gia tăng kinh tế bằng năng lực của mình, nên không thể nghèo theo cách này hoặc cách khác. Còn những giáo viên nghèo hẳn dưới mặt bằng xã hội chắc chắn sẽ bị coi thường, không chỉ bởi học sinh, mà còn cả phụ huynh và đồng nghiệp.
Tôi không nói tất cả nhưng sẽ là không ít. Giáo viên mới ra trường có thể lương thấp, nhưng không có nghĩa là nghèo vì các bạn có thể đi làm thêm. Chỉ là họ không giàu so với học sinh trong trường thôi. Tôi dạy từ trường công, trường tư, trường song ngữ đủ cả nên tôi chẳng lạ.
Nói chung, kể cả giáo viên môn phụ, nếu trường tư học phí cao thì lương của họ cũng không thấp và thường là cao hơn giáo viên trường công. Còn như những trường tôi dạy, môn phụ hay chính cũng không khác nhau nhiều. Hơn nhau chỉ là về số tiết và môn chính dễ dạy thêm ngoài, chứ tiền trả mỗi tiết là giống nhau. Thế nên, giáo viên đã bước ra làm trường tư, chất lượng cao thì chỉ khó giàu thôi chứ không dễ nghèo.
>> Giáo viên 'tay ngang' làm quản lý công ty dược
Mẹ tôi cũng không dạy thêm, cũng không dám tự kinh doanh, dù bà rất có khiếu buôn bán. Rồi đến khi về hưu, bà mới nhận ra rằng, nếu lựa chọn giữa làm giàu, làm kinh tế nhưng bị đánh giá là "sống vì tiền" và sống nghèo để nhận những lời khen từ xã hội, thì chẳng thà làm giàu còn hơn. Vì sao vậy? Vì có thể bị đánh giá, nhưng ít nhất, đến già, họ vẫn có thể sống sung sướng, còn hơn được khen rồi phải sống tự ti với mấy đồng lương hưu mà đi đâu, làm gì cũng khó.
Tôi rất tự hào về bố mẹ tôi, vì chẳng có mấy giáo viên được như họ. Nhưng hiện tại, có rất nhiều giá trị mà bố mẹ tôi theo đuổi đã thay đổi đi rất nhiều, khiến cho ông bà hoang mang, suy nghĩ và ức chế. Vậy nên, nhạy cảm quá cũng không tốt. Cuộc sống giờ đa chiều nên ai cũng cần thích nghi với những điều mới.
Tôi quan điểm, không có nghề cao quý mà chỉ có con người cao quý. Người đã cao quý thì làm nghề nào cũng cao quý thôi. Tôi từng học rất nhiều thầy cô mà bản thân không thể kính trọng nổi, nhưng lại rất kính trọng một số người không hề liên quan đến nghề dạy học, lại luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống. Họ còn có tâm có đức hơn rất rất nhiều người làm nghề giáo.
Tóm lại, bất cứ ngành nghề nào, kể cả bác sĩ hay giáo viên, việc làm giàu cũng là một nhu cầu chính đáng. Đừng bắt giáo viên phải nghèo mãi chỉ vì cái mác "nghề cao quý", hay khuyên ai đó "bỏ nghề đi nếu không chịu được lương thấp". Đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn công bằng hơn với mọi ngành nghề chân chính.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.