Tôi là giáo viên, đã đi dạy được 17 năm, lương chính thức vào khoảng 8 triệu đồng. Vợ tôi cũng là giáo viên, đi dạy 10 năm lương vẫn 6 triệu đồng. Trong khi đó, học sinh của tôi mới ra trường, lương thử việc đã là 8 triệu đồng. Đó là một thực tế của ngành Sư phạm ngày nay.
Ai cũng nghĩ giáo viên nhàn hạ, vì chỉ phải dạy có 17 tiết một tuần. Người ta đâu biết rằng, để đủ tiền sống, chúng tôi phải dùng thời gian rảnh để làm thêm, kiếm thêm chút thu nhập. Vậy tôi không thể toàn tâm với nghề dạy học và đầu tư cho giảng dạy chắc chắn cũng bị ảnh hưởng theo. Đó là chưa kể, ngoài thời gian lên lớp, chúng tôi cũng phải chấm bài, soạn giáo án, họp hành, giáo dục học sinh (ai làm giáo viên chủ nhiệm sẽ biết)...
Lương thì bèo bọt, thưởng Tết cũng chỉ được hơn một triệu đồng, ấy vậy mà người ta đòi hỏi đủ thứ ở người giáo viên. Thầy cô cũng muốn sống bằng lương, làm hết lương tâm của mình chứ, nhưng họ cũng còn có gia đình và nỗi lòng riêng. Nếu cả hai vợ chồng cùng là giáo viên, kinh tế gia đình còn khó khăn hơn gấp bội.
>> 'Mười năm làm giáo viên không bằng hai năm làm nghề khác'
Có thể nói, giáo dục là ngành nghề đòi hỏi lao động trí óc chứ không phải lao động chân tay phổ thông. Lương quá thấp thì giáo viên bỏ nghề cũng là điều dễ hiểu. Còn nếu không tuyển được giáo viên giỏi thay thế thì chất lượng giáo dục cũng sẽ đi xuống theo. Ai đó nói rằng "chê lương thấp thì nên bỏ nghề, kêu than gì?". Và thực tế là giáo viên đang bỏ việc rất nhiều rồi đó, và giờ chúng ta mới thấm hậu quả.
Như bản thân tôi, tuy vẫn có tâm với học sinh, nhưng thực tế, mối lo kinh tế cho bản thân và gia đình còn lớn hơn mối lo về chất lượng giáo dục. Vậy người thiệt thòi cuối cùng chính là học sinh và cả xã hội. Thế nên, xin đừng lấy lương công nhân ra so với lương giáo viên. Còn việc một số giáo viên đi xe sang, ở nhà to... là do họ tự làm thêm bên ngoài mới có được.
Trong khi đó, nếu lương giáo viên đủ sống, họ có thể dùng thời gian ngoài giờ để chuyên tâm cho việc nâng cao chất lượng dạy học thay vì mải lo "chạy sô" kiếm tiền. Điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều cho nền giáo dục. Vì nói gì thì nói, bỏ thời gian, công sức làm việc khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần... của giáo viên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.