Giáo dục Việt Nam có cái thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, và giáo viên giỏi bỏ việc khiến hậu quả là thế hệ tôi đi học rất ít thầy cô dạy "được". Thầy cô dạy tốt đa phần tập trung ở thành phố, thị trấn.
Hôm trước tôi nói chuyện với một anh đồng nghiệp quê ở huyện xa, anh kể quá trình học đỗ đại học của anh ấy là tự học rất vất vả từ cấp hai, vì anh học không có thầy cô dạy tốt. Ngày đó đến kỳ thi đại học học sinh đổ dồn lên trung tâm tỉnh học là điều dễ hiểu. Rồi sư phạm miễn học phí, với gia đình nông dân thời đầu 2000, 180 ngàn học phí một tháng so với giá vàng 400 ngàn đồng một chỉ là quá cao.
Điều này khiến điểm chuẩn sư phạm lên số một khoảng hơn chục năm, và vòng xoáy lại lặp lại lương thấp, không biên chế đẩy ngành sư phạm lại xuống thấp.
Là giáo viên, 12 năm trước tôi được vào biên chế với mức lương hai triệu đồng, tuy thấp nhưng bằng lương các bạn công nhân may lành nghề. Bây giờ xã hội phát triển hơn, đời sống nâng lên mà giáo viên, bác sĩ mới ra trường được trả với mức lương 3,5 triệu đồng, thấp hơn lao động giản đơn. Nghĩ mà buồn quá.
Tình hình thực tế là bây giờ rất nhiều trường thiếu giáo viên, nhưng nhiều giáo viên không xin được việc, do không tuyển viên chức mà tuyển dạng hợp đồng trả thấp nên không có người nhận, hoặc nhận một thời gian rồi bỏ.
Tình trạng thiếu giáo viên giỏi khá trầm trọng ở trường tôi, trường không tuyển được giáo viên đủ trình độ dạy đội tuyển quốc gia tin học, lực lượng dạy tin lớp bình thường cũng rất mỏng, sinh viên giỏi tin học sẽ làm IT và không về đi dạy nữa. Tôi e rằng nếu không có chính sách thay đổi thì 15 năm nữa các môn Lý, Hoá, Sinh... cũng không còn người giỏi để dạy.
Nhiều người cho rằng công việc của giáo viên lặp đi lặp lại. Nói như vậy là đang hiểu sai về nghề giáo. Bạn có thể nhớ cách giải của hàng chục nghìn bài hay sao, bộ giáo dục thì mỗi năm ra đề THPT lại có những bài mới, độc, lạ, khó, đến thạc sĩ còn không làm được.
>> Nghịch lý 'nghề giáo cao quý' nhưng lương thấp
Rồi những câu hỏi của học sinh giỏi phải trả lời cho thoả đáng, có vấn đề thầy trò tranh luận hàng giờ mới xong. Học sinh thì nghĩ thầy cô cái gì cũng phải biết, hiện tượng nào cũng đòi giải thích thấu đáo... Rồi đến việc thay sách giáo khoa liên tục, thay đổi cách dạy thi liên tục.
Công việc của giáo viên dạy đội tuyển quốc gia mới khủng. Phải soạn bài một tuần nhưng dạy chỉ trong một buổi, và hiện trường tôi đang không tuyển được giáo viên đảm nhiệm vị trí trên ở một số môn.
Có thể các bạn quá quen với việc cứ làm giảng viên, giáo viên thì phải nghèo. Ở các nước phát triển giảng viên đại học lớn, đặc biệt là giáo sư thu nhập rất cao và được xã hội trọng vọng. Nếu coi vấn đề lương thấp của giáo viên là bình thường, thì sau này liệu có còn giáo viên giỏi hay không?
Phạm Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.