Thời gian gần đây, tôi đọc nhiều bài viết than thở về mức lương và đãi ngộ cho đội ngũ y bác sĩ, giáo viên ở Việt Nam quá thấp, "không đủ sống". Bản thân tôi không phải bác sĩ hay giáo viên, nhưng cũng muốn chia sẻ đôi điều về chủ đề này.
Đành rằng đó là hai nghề quan trọng, được xem là cao quý trong xã hội, họ phải vất vả học hành, đầu tư chất xám, chứ không dễ dàng như công nhân, lao động tự do. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao bệnh viện công, trường công lại trả lương thấp hơn các bệnh viện và trường tư? Vì thời gian của nhân viên ở đơn vị công lập không khắt khe, không áp lực bằng đơn vị tư nhân.
Đơn vị công được nhà nước bảo trợ, hưởng lương theo bằng cấp, công việc cứ thế mà làm, không phải phấn đấu, nỗ lực hết mình để có kết quả cao mới được hưởng lương cao. Từ đó, nhiều người có tư tưởng không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm, điều này chủ yếu xảy ra ở các đơn vị công lập. Họ cứ bình thản làm hết ngày, hết tháng là hưởng lương mà không phải lo bị chủ cắt giảm lương thưởng.
Ngược lại, với đơn vị tư nhân, người ta bỏ tiền ra thuê nhân viên, nên họ quản lý rất sát sao, giá trị đồng tiền bạn nhận được phải đi đôi với kết quả công việc, sản phẩm mà bạn tạo ra.
>> 'Năm lần bảy lượt tăng xông vì thái độ của bác sĩ'
Tôi không biết bác sĩ ở đâu mới ra trường mà lương không nổi hai triệu đồng như một số người chia sẻ, chứ như trường tôi, một giáo viên mầm non mới vào ngành từ tháng 1/2022 đến nay, đang hưởng 85% mức lương cơ sở mà mỗi tháng còn được 3.361.264 đồng (tiền đó đã trừ các loại bảo hiểm và thuế, là tiền thực lĩnh về hàng tháng), chưa kể tiền làm thêm ngày thứ bảy và trực trưa 12 buổi một tháng (mỗi buổi 2h), nên mỗi tháng họ cũng thêm được gần một triệu đồng.
Trong khi đó, một nhân viên kế toán như tôi, vào ngành từ năm 2009 và được biên chế từ năm 2014 đến nay, nhưng mức lương hàng tháng cũng được nhận về 4.752.057 đồng. Vậy, thử hỏi giữ kế toán và giáo viên, ai là người thiệt thòi hơn?
Chẳng qua, nhân viên kế toán chúng tôi, mỗi đơn vị chỉ có một, còn giáo viên, bác sĩ trong các đơn vị công lập nhiều hơn gấp bội, các ngành nghề này lại được xã hội quan tâm nhiều hơn nên lời kêu than của họ có trọng lượng, được thấu hiểu nhiều hơn. Còn chúng tôi "thân cô thế cô" nên có gào rát cổ cũng chẳng ai nghe thấy, mà có thấy cũng chẳng ai trả lời.
Tôi nói như vậy không nhằm so đo với nghề giáo hay nghề y, cho rằng không quan trọng bằng nghề kế toán. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có một cái nhìn công tâm với mọi ngành nghề trong xã hội, để hiểu rằng không phải chỉ có giáo viên và y bác sĩ mới có lương thấp. Còn nhiều nghề khác vất vả, khó khăn chẳng kém mà lương tháng cũng bèo bọt. Vậy nên, các cấp lãnh đạo cũng phải suy xét cho kỹ, đi sâu tìm hiểu thực hư thế nào, đừng chỉ theo số đông kêu gào lương thấp mà tạo ra sự thiếu công bằng trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.