Ho dai dẳng, ho mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Ho nhiều và dai dẳng khiến cơ thể thiếu ngủ, đau cơ ngực... gây cản trở hoạt động thường ngày. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lồng ngực (Mỹ), cơn ho dai dẳng thường kéo dài từ tám tuần hoặc lâu hơn. Người bệnh thường ho khan hoặc ho có đờm. Cơn ho kéo dài có thể báo hiệu một số bệnh lý nghiêm trọng hơn, cần được phát hiện và điều trị sớm. Những dấu hiệu nhận biết các nguyên nhân phổ biến sau đây giúp phân biệt chứng ho mạn tính với các dấu hiệu ho do bệnh lý nghiêm trọng khác.
Viêm mũi dị ứng: Chảy dịch mũi sau do viêm mũi dị ứng, nhiễm trùng xoang hoặc các bệnh lý liên quan khác là nguyên nhân thường gặp của chứng ho mạn tính.
Bệnh hen suyễn: Có thể gây ho dai dẳng và không liên tục, gây ra các triệu chứng khác như thở khò khè và khó thở. Các triệu chứng này thường xảy ra cùng nhau khi bệnh hen suyễn bùng phát. Trong đó, hen suyễn gây ho kéo dài thường là triệu chứng nổi bật.
Trào ngược axit: Theo Harvard Health, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng là một trong các nguyên nhân gây ho mạn tính và thường nặng hơn lúc nằm. Một số bệnh nhân GERD bị ho mạn tính và không gặp phải các triệu chứng tiêu hóa khác.
Viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan: Cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp gây ho mạn tính ở người trưởng thành. Đối với trẻ nhỏ, các nguyên nhân gây ho mạn tính có thể gồm hen suyễn, chứng ho đường thở trên sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên, ho kéo dài do viêm phế quản. Người tiếp xúc với nguồn khói thuốc lá bị động, suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh ho gà cũng có thể bị ho dai dẳng.
Các nguyên nhân nghiêm trọng sau cũng thường gây ho, có thể nguy hiểm nếu bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị sớm:
Ung thư phổi: Theo số liệu nghiên cứu từ Cao đẳng bác sĩ lồng ngực (Mỹ), 2% bệnh nhân bị ho dai dẳng được chẩn đoán mắc ung thư phổi. 57% người bị ung thư phổi thường bị ho mạn tính. Cơn ho liên quan đến ung thư phổi có thể khó phân biệt với chứng ho do các nguyên nhân khác.
Khối u ở trong hoặc gần phổi: Ho mạn tính có thể xảy ra do các khối u khác trong ngực như u bạch huyết. Ho dai dẳng cũng có thể xảy ra do các chứng ung thư khác di căn đến phổi như ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư bàng quang và ung thư tuyến tiền liệt.
Các bệnh về phổi: Bệnh lý liên quan đến phổi gồm khí phế thũng, giãn phế quản và bệnh sarcoid cũng thường gây ra ho mạn tính khó kiểm soát.
Nhiễm nấm: Bệnh cầu trùng, bệnh nấm mô và bệnh lao thường cũng thường gây cơn ho mạn tính.
Sarcoidosis: Là bệnh lý gây ra các u hạt khắp cơ thể gồm hạt trong phổi gây ra cơn ho khan dai dẳng.
Hít phải dị vật: Nếu không may mắn hít phải dị vật vào đường thở, cơn ho liên tục cũng thường xảy đến và có thể khiến đường tai mũi họng bị nhiễm trùng.
Suy tim: Báo cáo nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng cho thấy, chất lỏng tích tụ trong phổi do suy tim cũng có thể dẫn đến ho dai dẳng, thở khò khè kèm theo ho ra đờm kèm máu.
Do có nhiều nguyên nhân gây ra ho dai dẳng, phương pháp điều trị cũng khác nhau và cần sự hỗ trợ của bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyến nghị làm sinh thiết, các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh nếu người bệnh thuộc nhóm nguy cơ mắc ung thư phổi. Tuy chứng ho mạn tính có thể điều trị khỏi, khi gặp phải triệu chứng kéo dài, bạn nên đi thăm khám sớm. Theo nghiên cứu tại Mỹ, thời gian từ khi người bệnh bắt đầu gặp phải các triệu chứng đến khi được chẩn đoán ung thư phổi có thể vài tháng. Phát hiện bệnh lý sớm trong giai đoạn đầu giúp bệnh nhân hỗ trợ điều trị, phục hồi kịp thời, tăng tỷ lệ sống và khỏi bệnh.
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và trao đổi với người bệnh về tiền sử bệnh lý, yếu tố di truyền, thói quen sinh hoạt, các triệu chứng khác nếu có. Thời gian bị ho, mức độ bệnh, ho nhiều vào thời điểm sau ăn hay ho nhiều về đêm, phân loại cơn ho khan hay ho có đờm, ho có bị ra máu hay không cũng cần được lưu ý.
Mai Trinh
(Theo Very Well Health)