Ho là bệnh đường hô hấp phổ biến và có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác. Đây là phản xạ bảo vệ cơ thể nên cơn ho sẽ không dứt nếu không được điều trị đúng cách, đúng nguồn gốc bệnh. ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chỉ ra các sai lầm phổ biến trong dùng thuốc trị ho mà nhiều người gặp phải.
Lạm dụng kháng sinh
Bác sĩ Hằng cho biết, nhiều người có thói quen bị ho là mua thuốc kháng sinh uống mà không cần biết nguyên nhân. Đây là sai lầm rất phổ biến. Bởi 80% nguyên nhân gây ho, viêm đường hô hấp là do virus, trong khi kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn. Dùng kháng sinh không đúng, liều cao dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khiến cho việc sử dụng kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm khuẩn cho những lần sau không còn tác dụng.
Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, rối loạn chức năng gan thận, men gan tăng cao, thậm chí là suy giảm miễn dịch. Khi bị ho, người bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám để điều trị đúng cách, không nên tự ý dùng kháng sinh.
Lạm dụng thuốc long đờm
Giống như kháng sinh, nhiều người cũng thường tự mua thuốc long đờm để uống trị ho tại nhà. Thuốc long đờm giúp tiêu chất nhầy, giảm độ đặc quánh của đờm, dễ ho khạc, đường thở thông thoáng, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc long đờm có thể gây nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, dễ dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày.
Bác sĩ Hằng khuyên nếu người bệnh bị ho kèm theo có đờm đặc màu xanh hoặc vàng, vướng đờm gây khó thở... thì nên đi khám để được chỉ định thuốc long đờm khi cần thiết.
Dùng thuốc kháng histamin trị ho có đờm
Một số thuốc kháng histamin chống dị ứng, đồng thời làm dịu, giảm ho và an thần được sử dụng khá phổ biến. Loại thuốc này cũng có tác dụng làm khô, quánh đặc dịch tiết, khiến cục đờm tắc nghẽn... Vì vậy, người bị ho có đờm, hen suyễn cần có sự chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc kháng histamin.
Dùng thuốc giảm ho không đúng cách
Mỗi khi bị ho, thuốc giảm ho là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, bác sĩ Hằng cho biết, thuốc giảm ho chỉ dùng trong trường hợp ho khan không có đờm (ho do cảm cúm, bị kích ứng, dị ứng), ho nhiều gây mệt mỏi, mất ngủ. Thuốc này không dùng trong trường hợp ho có đờm (bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản...). Không dùng cho người suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.
Mọi người cũng lưu ý, những thuốc trị ho có chứa codein chỉ dành cho người lớn, không dùng cho trẻ em vì gây ức chế hô hấp. Dùng thuốc giảm ho liều thấp trong thời gian ngắn có thể hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Dùng thuốc ho thảo dược trị ho nặng tại nhà
Thuốc ho thảo dược (tinh dầu, siro) chủ yếu từ các vị thuốc như tỳ bà diệp, sa sâm, phục linh, trần bì, cát cánh, ngũ vị tử... tác động ngăn cơ chế viêm, cản trở giải phóng các yếu tố gây viêm nên có tác dụng chữa ho. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng trong các bệnh viêm cấp hoặc mạn tính của đường hô hấp nhưng ở mức độ bệnh nhẹ hoặc ở phụ nữ có thai và cho con bú. Khi bị ho nặng kèm theo nhiều triệu chứng, người bệnh nên đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị theo chỉ định.
Dùng lại đơn thuốc cũ
Tình trạng dùng đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác để trị ho khá phổ biến. Tại mỗi thời điểm, ho hay triệu chứng bệnh sẽ xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau, không phải lúc nào cũng giống nhau. Do đó, dùng thuốc ho phải tương ứng với nguyên nhân gây bệnh từng thời điểm. Bác sĩ Hằng khuyến cáo, dùng thuốc không đúng sẽ làm tình trạng ho không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng và khó chữa trị hơn. Người bệnh nên tái khám để được bác sĩ tăng hoặc giảm liều lượng (nếu cần) hoặc dùng thuốc khác để có hiệu quả.
Uống không đúng liều
Không ít người ngừng uống thuốc theo đơn sau 2-3 ngày thấy cơn ho thuyên giảm, hết ho. Cũng có trường hợp dùng thuốc vài ngày không thấy bệnh cải thiện tự ý đổi loại khác. Đây là những sai lầm dễ dẫn đến kháng thuốc, có thể gây rối loạn chức năng gan, kháng thuốc... Người bệnh cần uống đúng đủ liều lượng và thời gian theo đơn thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, để điều trị dứt điểm, tránh tái phát.
Bác sĩ Hằng lưu ý thêm, không dùng đồng thời kết hợp thuốc ho với thuốc long đờm vì đờm sẽ tiết nhiều hơn nhưng không ho khạc ra được. Những thuốc trị ho phối hợp nhiều thành phần (neocodion, codepect, atussin, arsiba...) có thể tương tác với các loại thuốc khác. Hiện nay tình trạng thuốc giả, không rõ nguồn gốc trôi nổi khá nhiều trên thị trường. Người tiêu dùng nên dùng thuốc có nguồn gốc tin cậy, rõ xuất xứ, có kiểm chứng của cơ quan nhà nước.
Mai Cát