Ho là cách cơ thể cố gắng loại bỏ chất kích ứng ra khỏi đường thở và họng. Nguyên nhân gây ho đa dạng, nếu được phân loại và điều trị phù hợp sẽ sớm hồi phục. Dưới đây là một số loại ho phổ biến cùng cách làm dịu tình trạng này.
Ho khan
Ho khan gây khó chịu cho họng, không có đờm và không bị nghẹt mũi. Khi ho, bạn có thể cảm thấy đau họng, tức ngực. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, có nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ra ho khan như hen suyễn, đau họng, viêm xoang, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và Covid-19. Theo bác sĩ Aline M. Holmes (khoa Điều dưỡng Đại học Rutgers, Mỹ), ho khan thường là dấu hiệu cho thấy phổi đang bị khô và kích thích. Tăng độ ẩm không gian sinh hoạt và trong lúc ngủ làm dịu phổi, có thể giảm ho.
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản bị ho khan có thể dùng thuốc kháng axit để giảm triệu chứng. Nếu bị hen suyễn và ho khan, bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe với bác sĩ để thể điều chỉnh kế hoạch điều trị. Người bị viêm họng do virus có thể dùng viên ngậm và uống thêm nhiều nước. Nếu nghi ngờ nhiễm Covid-19, bạn nên kiểm tra bằng xét nghiệm nhanh tại nhà hoặc xét nghiệm PCR.
Ho có đờm
Ho có đờm gây ra do dịch nhầy và cảm giác tắc nghẽn họng. Theo bác sĩ Holmes, ho có đờm là một trong các dấu hiệu của nhiễm trùng phổi, viêm phế quản hoặc do bị nhiễm lạnh vùng ngực ở người có bệnh phổi tiềm ẩn (hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD).
Điều trị chứng ho có đờm thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Bệnh nhân có thể nhận biết mức độ của ho có đờm qua màu dịch nhầy. Nếu bị ho có đờm trong suốt thì không phải là triệu chứng nhiễm trùng đường thở; cần uống nhiều nước, uống thức uống ấm cùng mật ong, theo dõi triệu chứng và nghỉ ngơi, bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu dịch nhầy hơi vàng hoặc hơi xanh, bạn thăm khám bác sĩ để điều trị.
Ho kịch phát
Đây là cơn ho dữ dội không kiểm soát được, gây mệt mỏi và đau họng, ngực và có thể gây nôn mửa, đứt quãng hơi thở. Chứng ho kịch phát có thể do bệnh ho gà (một bệnh nhiễm trùng cho vi khuẩn gây ra). Theo CDC Mỹ, trẻ sơ sinh thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh ho gà và thường phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng từ bệnh lý, có thể đe dọa tính mạng. Ba mẹ nên cân nhắc đưa trẻ tiêm vaccine phòng bệnh này khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Khi mắc ho gà, người bệnh phải hít thở khá nặng nề, phát âm thanh "khục khục" kèm cơn ho kịch phát.
Đây là bệnh lý có thể lây, người thân và người chăm sóc bệnh nhân cũng nên cân nhắc tiêm phòng và điều trị khi cần thiết. Một số nguyên nhân khác có thể gây ho kịch phát như hen suyễn, COPD, viêm phổi, lao phổi... Người bệnh nên tìm gặp bác sĩ phụ trách để có hướng chăm sóc sớm.
Mai Trinh
(Theo Prevention, Healthline)