Đường nâu và đường trắng được làm từ cây mía hoặc củ cải đường. Mặc dù chúng có sự khác biệt về thành phần và mùi vị nhưng giá trị dinh dưỡng gần giống nhau và đều ảnh hưởng đến đường huyết. Đường nâu là sự kết hợp giữa đường ăn và mật mía, có vị caramel và màu đậm hơn đường thông thường. Đường nâu có ít calo và carbohydrate (carbs) hơn đường trắng, nhưng nhiều vitamin và khoáng chất như kali, sắt, canxi hơn. Chúng đều không chứa chất đạm và chất béo. Ở người bình thường, những khác biệt không đáng kể giữa đường nâu và đường trắng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Với người bệnh tiểu đường, đường nâu không tốt cho sức khỏe của người bệnh tiểu hơn đường trắng theo Healthline. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thành phần chính của đường nâu và đường trắng là sucrose. Với chỉ số đường huyết (GI) cao ở mức 65, sucrose có thể khiến lượng đường trong máu tăng. Cả hai loại đường này đều làm cho đường huyết cao tương đương với các loại thực phẩm như khoai tây chiên, khoai lang, bỏng ngô.
Đường nâu và đường trắng là đường phụ gia, khác với các loại đường tự nhiên có trong trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa. Chúng đều liên quan đến việc giảm độ nhạy insulin và tăng nguy cơ phát triển một số bệnh mạn tính. Bất kể loại đường nào bạn ăn, bạn cũng cần duy trì đường huyết khỏe mạnh.
Một đánh giá trên tạp chí Nghiên cứu Nha khoa Trung Quốc năm 2017 cho thấy, tiêu thụ nhiều đường bổ sung có thể góp phần tăng cân, sâu răng và phát triển các bệnh mạn tính như tiểu đường tuýp hai hoặc bệnh tim. Nghiên cứu đăng Tạp chí Dinh dưỡng Anh năm 2018, thêm đường vào chế độ ăn có thể liên quan đến chứng trầm cảm. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường rất đa dạng và phức tạp, chứ không phải mắc bệnh là do ăn quá nhiều đường. Tuy nhiên, việc hạn chế đường sẽ có ích. Bởi đường là nguyên nhân gây tăng cân và tăng cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Để tạo hương vị của đường nâu và hạn chế tăng lượng đường trong máu, một số nhà sản xuất dùng sucralose (chất tạo ngọt) hoặc stevia (có trong đường ăn kiêng). Một số chất làm ngọt hỗn hợp thường làm từ 50% đường nâu và 50% chất làm ngọt không calo. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là những chất làm ngọt thay thế đường nâu vẫn tác động đến lượng đường trong máu nếu tiêu thụ quá nhiều và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nếu bạn thỉnh thoảng muốn ăn món tráng miệng có đường thì nên ăn cùng thực phẩm chứa chất đạm, chất béo để làm chậm tình trạng tăng đường huyết. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, lượng đường bổ sung hàng ngày một người nên sử dụng là dưới 5% calo hoặc ít hơn nhằm mang lại lợi ích cho sức khỏe. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, giới hạn lượng đường bổ sung dưới 6 muỗng cà phê (25 g hoặc 100 calo) mỗi ngày đối với phụ nữ và dưới 9 muỗng cà phê (37,5 g hoặc 150 calo) mỗi ngày đối với nam giới.
Bệnh nhân tiểu đường nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng đường và carbs. Điều này giúp kiểm soát chỉ số đường huyết, tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nhi Tiêu
(Theo Healthline, Livestrong, MedicineNet)