Con tôi đang có tình trạng bong vảy rồi. Cháu 5 tuổi. (Hồng Vân, Thái Nguyên)
Trả lời:
Các nốt thủy đậu giống như mụn nhọt, ban đầu trong sau đó chuyển sang hơi đục, rồi tróc ra và thành vảy. Các nốt mụn nước này lành tính, sau khi bong vảy sẽ không để lại sẹo hoặc vết thâm. Do đó, các mụn này không cần điều trị, chỉ cần bôi các thuốc chống nhiễm trùng sau đó sẽ tự hết, không cần thiết bôi nghệ hoặc các tinh chất nào khác.
Thủy đậu là bệnh lành tính, do đó trẻ thường được theo dõi, điều trị tại nhà. Gia đình không nên có tâm lý lo con bị sẹo, sau đó bôi thuốc không đúng hoặc đắp lá lên nốt mụn. Một số người thấy con bị ngứa thì chọc vỡ nốt mụn để giảm ngứa, song đây cũng là cách làm không đúng. Lý do là mụn vỡ gây nhiễm trùng, để lại sẹo trên da.
Để tránh nhiễm trùng cho trẻ, gia đình cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Bên cạnh đó, bố mẹ vệ sinh nhà cửa, khử trùng đồ chơi của con và các vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn; vệ sinh thân thể.
Gia đình không nên quan niệm kiêng nước, không tắm rửa cho trẻ. Thay vào đó, trẻ nên tắm nước ấm và trong phòng kín, khi vệ sinh chú ý không làm vỡ nốt mụn thủy đậu.
Mọi người hạn chế tiếp xúc gần như ôm hôn khi trẻ bị thủy đậu, không cho trẻ dùng chung dụng cụ và thức ăn với người khác. Trẻ cần nghỉ học cho đến khi mụn nước khô, đóng vảy, tránh lây nhiễm.
PGS.TS Vũ Huy Trụ
Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Tâm Anh TP HCM