Trong ống tai của trẻ nhỏ thường bài tiết ra ráy tai với độ đặc tự nhiên. Ráy tai có thể được coi là một hàng rào bảo vệ màng nhĩ khỏi nước, bụi, chất bẩn từ môi trường sống. Trong ráy tai cũng chứa các enzyme ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm.
Thông thường, ống tai sẽ tạo ra một lượng ráy tai nhất định. Tuy nhiên, ở một số trẻ lượng ráy tai được tạo ra quá mức. Theo bác sĩ Ann Masciantonio, trưởng Khoa Nhi cấp cứu tại Hiệp hội Nhi khoa Christiana Care (Mỹ), nếu ráy tai trẻ ở mức bình thường, phụ huynh không cần làm sạch tai cho trẻ. Trường hợp tai trẻ có quá nhiều ráy tai dư thừa, tích tụ có thể gây ảnh hưởng tới thính giác. Lúc này, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa, khó chịu, tai có mùi hôi, ho, chóng mặt, mất thăng bằng.
Các triệu chứng trên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, có thể khắc phục bằng cách loại bỏ ráy tai dư thừa trong ống tai trẻ. Nếu ráy tai không gây ra các triệu chứng khiến trẻ khó chịu, phụ huynh có thể loại bỏ ráy tai tại nhà cho bé. Trong trường hợp lượng ráy tai quá dày, phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
Dưới đây là những cách vệ sinh tai đúng cách cho trẻ.
Dùng khăn ẩm: Theo bác sĩ David Mener, Học viện Dị ứng Tai mũi họng Mỹ, cha mẹ có thể làm sạch tai cho trẻ bằng một chiếc khăn ẩm, lau nhẹ nhàng bên ngoài tai trẻ. Cách làm này có thể giúp làm mềm ráy tai của trẻ khi đang tắm.
Nghiêng đầu trẻ sau khi tắm: Nhằm giúp trẻ loại bỏ ráy tai một cách tự nhiên, sau khi tắm cha mẹ có thể nghiêng đầu con từ bên này sang bên kia để nước còn sót lại và ráy tai chảy ra ngoài lỗ tai.
Dùng thuốc nhỏ tai theo chỉ định: Nếu trẻ đã đi khám, được bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ tai, phụ huynh cần cho trẻ nằm nghiêng với bên tai bị ảnh hưởng hướng lên trên. Nhẹ nhàng kéo dái tai trẻ, nhỏ thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ, giữ thuốc nhỏ trong tai ở tư thế nằm tối đa 10 phút. Sau đó, để phần thuốc nhỏ tai thừa chảy ra khỏi tai bé.
Nếu ráy tai gây bít tắc lỗ tai trẻ với các triệu chứng điển hình, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám. Bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ đặc biệt để hút, loại bỏ ráy tai hoặc rửa tai cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng thuốc làm mềm ráy tai.
Ngoài các biện pháp trên, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không sử dụng tăm bông để vệ sinh tai cho trẻ. Bác sĩ Ann Masciantonio cảnh báo: "Dùng tăm bông để vệ sinh tai trẻ có thể đẩy ráy tai vào sâu trong ống tai, gây tổn thương màng nhĩ. Trẻ có thể bị chảy máu, nhiễm trùng, thủng màng nhĩ, thậm chí mất thính lực vĩnh viễn".
Nếu trẻ khó nghe, tai có tiết dịch màu vàng, xanh, cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm. Bác sĩ sẽ kiểm tra tai trẻ, xem xét có cần loại bỏ ráy tai hay không. Việc loại bỏ ráy tai có thể thực hiện ngay tại phòng khám. Nếu trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng tai, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nhỏ tai cho bé.
Nhằm ngăn ngừa ráy tai gây bít tắc ống tai trẻ, cha mẹ cần giữ tai bé sạch sẽ, thường xuyên làm sạch tai ngoài và khu vực xung quanh tai bằng khăn mềm, không để trẻ nhét bông vào tai hoặc nghịch tăm bông.
Minh Thúy (Theo Very Well Family, Healthline)