Trẻ em dưới 2 tuổi dễ bị tổn thương do nhiễm trùng tai vì hệ thống miễn dịch của trẻ đang phát triển; ống eustachian trong tai hẹp và nằm ngang hơn so với người lớn.
Theo GS.TS nhi khoa Amanda Dempsey, Hệ thống Y tế Đại học Michigan, Mỹ, nhiễm trùng tai ở trẻ khá phổ biến nhưng nhiều cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Những hiểu lầm dưới đây có thể làm cho việc lựa chọn điều trị không hợp lý.
Mọc răng có thể bị nhầm lẫn với nhiễm trùng tai: Một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tai là thói quen kéo dái tai và xoa vào tai liên tục. Tuy nhiên, ở trẻ mọc răng, các dây thần kinh ở răng phân nhánh có thể ảnh hưởng đến tai, tạo ra cảm giác như có cơn đau xuất phát từ tai. Điều này làm cho trẻ thường xuyên xoa tai, khó chịu, quấy khóc. Một số trẻ có thể phát sốt khi mọc răng, các dấu hiệu này xuất hiện cùng lúc, cha mẹ dễ nhầm lẫn giữa mọc răng và nhiễm trùng tai.
Nếu trẻ bị sốt và khó chịu nhất khi nằm, nhiều khả năng trẻ bị nhiễm trùng tai. Nếu trẻ khó chịu ở tai, nướu sưng đỏ là dấu hiệu mọc răng. Với cả 2 tình trạng này, phụ huynh nên cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi để xác định sớm nguyên nhân.
Không phải luôn điều trị bằng thuốc kháng sinh: Khoảng 60% trường hợp nhiễm trùng tai xảy ra do vi khuẩn; 40% còn lại do virus gây ra và không thể chữa khỏi bằng kháng sinh. Hai loại này hiện vẫn khó phân biệt.
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dù không dùng kháng sinh, khoảng 80% trường hợp nhiễm trùng tai giữa ở trẻ em có thể khỏi trong khoảng một tuần; khoảng 60% trẻ em có các triệu chứng thuyên giảm trong 24 giờ. Với những trường hợp nhiễm trùng tai nhẹ, bác sĩ thường sẽ kê thuốc giảm đau. Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng tai, cha mẹ nên cho con đi khám để xác định mức độ bệnh; không nên tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nhiễm trùng tai mạn tính có thể phải đặt ống thông khí màng nhĩ: Trẻ bị nhiễm trùng tai mạn tính (3 lần trong 6 tháng hoặc 4 lần trong một năm) cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng theo dõi. Khi mắc bệnh này, trẻ ốm thường xuyên hơn, nguy cơ bị cản trở thính giác và phát triển ngôn ngữ lớn. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ trao đổi về việc đặt ống thông khí màng nhĩ (phổ biến nhất là ở cả hai tai) để giảm nguy cơ nhiễm trùng và cải thiện thính giác.
Nhiễm trùng tai vẫn có thể xảy ra với ống tai: Nhiều trẻ thỉnh thoảng vẫn bị nhiễm trùng tai, nhất là sau khi bị cảm lạnh. Những trận nhiễm trùng này có thể xảy ra ở ống tai, tình trạng nhiễm trùng ít gây đau và sốt.
Nhiễm trùng tai có thể gây thủng màng nhĩ: Theo bác sĩ James Coticchia, chuyên khoa tai mũi họng nhi, Bệnh viện Nhi đồng Gia đình Studer, Pensacola, Florida (Mỹ), nhiễm trùng tai tạo nên áp lực từ sự tích tụ chất lỏng, có thể làm vỡ màng nhĩ. Bệnh nhi sẽ rất đau đớn, mất thính giác tạm thời và cần được đi khám để được bác sĩ điều trị phù hợp.
Anh Chi (Theo Parents)