Trả lời:
Cam giàu vitamin C, A và nhiều vitamin, khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe. Một quả cam cỡ vừa có khoảng 15,4 g carbohydrate, 60 g calo, 12 g đường, 3 g chất xơ, 14 microgam vitamin A, 70 mg vitamin C, 237 mg kali... Một trái cam chứa khoảng 70 mg vitamin C. Trong khi một cốc nước cam tươi có khoảng 120 mg vitamin C. Uống một ly nước cam có thể cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể trong một ngày.
Cam rất giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Các nghiên cứu cho thấy, cam rất tốt cho người bị cảm lạnh, hỗ trợ cho hệ miễn dịch, giúp người bệnh mau phục hồi. Tuy nhiên, hiệu quả của vitamin C đối với người bệnh cảm lạnh có thể khác nhau. Vì liều lượng trong cam có thể không đủ nên người ta đã tạo ra các loại vitamin C liều cao nhằm hỗ trợ tăng sức đề kháng, rút ngắn thời gian và triệu chứng cảm lạnh. Bác sĩ cũng có thể kê một số loại vitamin C (khoảng 200 mg) cho trẻ khi mắc bệnh.
Nước cam có chứa một số carotenoid - hợp chất thực vật có lợi mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Vitamin A có thể bảo vệ các mô lót mũi và cổ họng, đóng vai trò như "hàng rào" chống lại vi trùng. Các carotenoid này cũng có đặc tính chống oxy hóa, giảm viêm, tạo cảm giác dễ chịu hơn. Chất chống oxy hóa flavonoid trong loại quả này cũng góp phần cải thiện triệu chứng cảm lạnh. Một số loại trái cây chống viêm, kháng virus và tăng cường miễn dịch như cam, quả mọng cũng rất tốt cho người lớn và trẻ em khi cảm lạnh.
240 ml nước cam còn đáp ứng gần 20% lượng kali khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ và 15% cho nam giới. Kali được tìm thấy trong các tế bào, bao gồm cả những tế bào chống nhiễm trùng. Cơ thể không tạo ra kali mà cần lấy từ chế độ ăn uống hàng ngày. Kali cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chất lỏng trong cơ thể, giúp ích khi cơ thể mất nước do xì mũi, đổ mồ hôi do sốt.
Axit ascorbic (còn gọi là vitamin C) là chất chống oxy hóa có trong cam, rất tốt cho sức khỏe. Người bị ho không nên kiêng cam bởi vitamin C từ cam rất tốt cho quá trình khỏi bệnh. Tuy nhiên thành phần axit lại không tốt cho người có bệnh lý dạ dày, đặc biệt là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tốt nhất, mọi người nên uống cam vào buổi sáng, tránh uống trước khi đi ngủ vì sẽ làm mất ngủ và trào ngược dạ dày thực quản gây ho nhiều hơn vào ban đêm. Hiện tượng trào ngược sẽ làm cho tình trạng ho kéo dài hơn.
Ho là phản ứng miễn dịch nhằm tống các yếu tố lạ như vi khuẩn, virus, nấm mốc... tấn công đường hô hấp. Trong một số trường hợp, người gặp các vấn đề về hô hấp khiến cơ thể tích tụ đờm, phản xạ ho có thể hữu ích. Khi đó, ho giúp tống đờm ra khỏi hệ hô hấp, cải thiện triệu chứng khó chịu cho trẻ.
Nhìn chung, nước cam là thức uống tốt, không cần phải kiêng khi ho. Mỗi ngày, trẻ có thể uống khoảng 80-100 ml nước cam và người trưởng thành là 200 ml nước cam. Có những cách mang lại lợi ích từ quả cam giúp tăng sức đề kháng, giảm ho, làm dịu cổ họng là pha ít cam với mật ong và nước ấm cho trẻ uống. Ngoài ra dân gian còn có bài thuốc trị ho như tắc chưng đường phèn hay các bài thuốc từ trần bì (vỏ quýt) nhờ lợi ích từ tinh dầu trong vỏ của trái cây họ cam quýt. Tuy nhiên, phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ dưới một tuổi uống mật ong vì có thể ngộ độc. Trẻ nên uống cam với mật ong sau khi ăn khoảng một tiếng, không uống khi bụng đói hoặc quá no, tránh dùng vào buổi chiều tối.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome