Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường, dưới 70 mg/dL. Triệu chứng gồm đổ mồ hôi, buồn nôn, run tay, đánh trống ngực. Người không mắc bệnh tiểu đường cũng có thể gặp tình trạng này.
Các thời điểm nên đo lượng đường trong máu là trước và sau bữa ăn, trước và sau khi tập thể dục, trước khi ngủ. Khi có dấu hiệu hạ đường huyết, người bệnh cũng nên kiểm tra. Người bị hạ đường huyết nghiêm trọng cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nhẹ có thể kiểm soát bằng thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều đường.
Bơ đậu phộng: Loại bơ tự nhiên làm từ đậu phộng, không thêm đường, chứa nhiều protein và chất béo. Ăn bơ đậu phộng có thể giảm buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu; tăng dần lượng đường trong máu.
Nho khô: Hai thìa nho khô bổ sung khoảng 15 g carbohydrate (carb). Nếu chỉ số đường huyết chưa trở lại 70 mg/dL, có thể ăn thêm hai thìa nho khô nữa và kiểm tra lại.
Nước cam: Một nửa cốc nước cam chứa khoảng 15 g carbohydrate đơn giản, giúp cơ thể hấp thụ nhanh chóng. Người thường xuyên hạ đường huyết nên trữ sẵn nước cam hoặc các loại nước ép khác. Carbohydrate đơn giản trong nước trái cây có thể làm tăng lượng đường trong máu trong vòng 15 phút.
Chuối: Loại trái cây này chứa nhiều đường, carb và tinh bột kháng. Chuối chín có chỉ số đường huyết khoảng 42-62. Ăn khoảng nửa quả để cải thiện đường huyết đang hạ.
Dứa: Lượng chất xơ và đường tự nhiên trong dứa nhiều hơn các loại trái cây khác. Một lát dứa mỏng chứa 5,5 g đường tự nhiên. Một lát dày khoảng 85 g có 8,3 g đường. Dứa làm tăng đường huyết khá nhanh. Người bệnh nên xác định mức hạ đường huyết, cân đối lượng dứa cần ăn để đưa chỉ số về mức ổn định.
Mật ong: Người bị hạ đường huyết nên ăn một thìa mật ong và kiểm tra sau 30 phút. Nếu chỉ số vẫn thấp có thể dùng thêm một thìa.
Nước ép nho 100%: Khi lượng đường trong máu thấp khoảng 55 mg/dL, cơ thể cần carbohydrate lỏng tác dụng nhanh, không có chất xơ, chất béo hoặc protein. Nước ép nho là một trong những loại nước ép chứa nhiều carbohydrate nhất, giúp đường huyết tăng nhanh.
Khi chỉ số về mức bình thường, người bệnh có thể ăn một bữa nhẹ có chứa carb, protein như bánh mì kẹp trứng, salad thịt gà... Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng để kiểm soát tiểu đường. Thói quen lối sống lành mạnh, quản lý bệnh thông qua ăn kiêng, tập thể dục cũng phòng ngừa hạ đường huyết.
Anh Chi (Theo Healthline, Very Well Health)
Độc giả có thể đặt câu hỏi về các bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để được bác sĩ giải đáp.