Thạc sĩ, bác sĩ Lê Huyền Nhi, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vitamin C tan mạnh trong nước, duy trì sức khỏe xương, cơ và mạch máu. Chúng hỗ trợ hình thành collagen, giúp cơ thể hấp thụ chất sắt. Bổ sung vitamin C góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch thông qua gia tăng hoạt động của tế bào lympho T, chức năng thực bào, khả năng di chuyển của bạch cầu. Đồng thời, vitamin này thúc đẩy sản xuất kháng thể và interferon - một nhóm protein tự nhiên sản xuất bởi tế bào của hệ miễn dịch nhằm chống lại tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, tế bào ung thư.
Vitamin C hoạt động như chất chống oxy hóa quan trọng, chống lại stress oxy hóa tạo ra trong quá trình nhiễm trùng. Thiếu hụt dưỡng chất này có thể gây ra triệu chứng như dễ bầm tím, chảy máu nướu răng, mệt mỏi, suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
"Cơ thể đủ vitamin C có thể tăng cường sức đề kháng chống đỡ bệnh tật", bác sĩ Huyền Nhi nói, thêm rằng dưỡng chất này giúp giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm phế quản hoặc viêm xoang. Đặc biệt, nếu bổ sung khoảng 1 g mỗi ngày trong thời gian bị cảm lạnh giúp giảm 85% triệu chứng viêm đường hô hấp do virus gây ra. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C không làm giảm nguy cơ cảm lạnh.
Bác sĩ Nhi cho biết vitamin C không được sản xuất nội sinh mà cần bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày. Người trưởng thành nên tiêu thụ 90 mg vitamin C hàng ngày với nam và 75 mg với nữ. Người hút thuốc lá nên bổ sung thêm 35 mg một ngày, phụ nữ mang thai cần thêm 10 mg và đang cho con bú là 45 mg.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin C như rau củ quả tươi, nhất là ổi, trái cây họ cam quýt (chanh, bưởi, cam), ớt chuông, kiwi, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh, cải xoăn, cà chua... Ước tính một quả ổi 100 g chứa khoảng 200 mg vitamin C, gấp 4 lần so với quả cam.
Bác sĩ Huyền Nhi lưu ý người trên 19 tuổi không nên tiêu thụ quá 2.000 mg mỗi ngày, 400 mg với trẻ 1-3 tuổi, 650 mg cho trẻ 4-8 tuổi, trẻ 9-13 tuổi là 1.200 mg và 1.800 mg khi trẻ 14-18 tuổi. Bổ sung quá nhiều vitamin C có thể gây sỏi thận, buồn nôn và tiêu chảy.
Người mắc bệnh cúm, cảm lạnh có thể bổ sung vitamin C bằng cách uống các loại nước ép ổi, nước cam, nước chanh ấm... Trẻ trên một tuổi uống nước chanh ấm pha mật ong. Cách này giúp phòng ngừa mất nước do sốt, giảm mệt mỏi và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ưu tiên thức ăn lỏng, nhiều dưỡng chất, dễ tiêu như cháo, súp...
Người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể nhanh hồi phục. Chú ý điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm không khí trong nhà phù hợp để giảm nghẹt mũi, ngăn chặn nguy cơ nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi có thể gây bội nhiễm. Súc miệng, rửa mũi với nước muối sinh lý.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Huyền Nhi khuyến cáo rửa tay kỹ với nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có hàm lượng cồn trên 60% trong ít nhất 20 giây. Tránh chạm tay đến vùng mắt, mũi và miệng. Người bệnh đeo khẩu trang khi ra ngoài. Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn khu vực sống, đồ chơi của trẻ và bề mặt thường tiếp xúc như tay nắm cửa, công tắc đèn, điện thoại...
Dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi, xì mũi. Sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận với xà phòng. Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu bị cảm lạnh. Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày vừa sức, khoa học để cơ thể khỏe mạnh.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |