Theo Medical News Today, chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột và có thể là nguyên nhân gây ra viêm loét đại tràng. Một số loại thực phẩm cũng khiến các triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn ở giai đoạn bùng phát, trong đó có sữa. Do đó, người bệnh cần chọn loại sữa phù hợp để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
Đường chính trong sữa bò thông thường chủ yếu là đường lactose, thuộc nhóm FODMAPs (FODMAPs là nhóm đường mà đường tiêu hóa gặp khó khăn khi hấp thụ). Theo nghiên cứu của Áo, lactose có thể gây đau, đầy hơi và tiêu chảy ở người bị viêm đường ruột nói chung. Người viêm loét đại tràng nên tránh thực phẩm chứa FODMAP cao như sữa bò để không làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Thay vào đó, người bệnh nên chọn sữa không chứa đường lactose, các loại sữa hạt như đậu nành, yến mạch, hạnh nhân, gạo, hạt điều, sữa các loại đậu khác.
Nếu vẫn muốn dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa bò, người bị viêm loét đại tràng đang trong thời gian bùng phát triệu chứng hoặc người không dung nạp lactose nên chọn sữa tách béo và nguyên chất, pho mát mềm, pho mát kem hay sữa chua.
Khi tránh các sản phẩm từ sữa, người bệnh vẫn phải đảm bảo nhận đủ canxi trong chế độ dinh dưỡng. Vì vậy, mọi người có thể bổ sung các thực phẩm giàu canxi thay thế. Ví dụ, rau xanh lá (rau chân vịt, cải xoăn, diếp cá), đậu hũ, quả hạch (đào, mận), các loại hạt (hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt lanh), các loại đậu (đậu xanh).
Khi đang trong giai đoạn bùng phát bệnh, bạn nên ăn thức ăn mềm và nhạt, trái cây ít chất xơ (chuối, dưa hấu) hoặc chỉ nên uống nước trái cây, nấu chín kỹ thức ăn và bỏ vỏ, bổ sung thêm thực phẩm chứa probiotic (sữa chua, kim chi, dưa muối). Trong giai đoạn này, người viêm loét đại tràng cần tránh thực phẩm và đồ uống có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn như rau sống, đồ chế biến sẵn, đồ nướng, thức ăn cay nóng, đồ chiên, đồ ngọt, rượu và cà phê.
Trong thời kỳ bùng phát triệu chứng, người bị viêm loét đại tràng có thể kiêng sữa bò và một số thực phẩm nhưng khi tình trạng bệnh thuyên giảm, mọi người nên có chế độ ăn uống cân bằng gồm tất cả 4 nhóm thực phẩm chính (đường, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất) để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, bạn nên tăng cường thực phẩm chống viêm tốt cho bệnh này như cá nhiều dầu (cá thu, cá ngừ, cá mòi), trái cây, ngũ cốc, thịt gà, trứng, sữa chua không đường lactose.
Người bệnh cũng cần giữ đủ nước vì có thể mất nước do tiêu chảy bằng cách uống thêm nước canh hoặc dung dịch bù nước. Mọi người có thể thực hiện một số mẹo để kiểm soát bệnh như chia nhỏ bữa ăn thành 4-6 bữa mỗi ngày thay vì 3 bữa chính, ghi nhật ký thực phẩm trong thời gian bùng phát để xác định thực phẩm nào gây kích hoạt triệu chứng. Nấu ăn đơn giản như luộc hoặc hấp, uống chậm và tránh dùng ống hút vì có thể gây đầy hơi cũng là cách giúp người bệnh quản lý các triệu chứng.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)