Một số trường hợp nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori ) kháng thuốc kháng sinh có thể khiến các phương pháp điều trị truyền thống gặp khó khăn. Nhiều nghiên cứu tìm hiểu về phương pháp tự nhiên hỗ trợ cải thiện bệnh qua chế độ ăn uống. Dùng nghệ, mật ong, trà xanh... có thể ngăn vi khuẩn HP phát triển. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ cho người bệnh chứ không thể thay thế thuốc.
Dầu ô liu
Polyphenol có trong dầu ô liu nguyên chất có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm sự phát triển của vi khuẩn HP. Dầu ô liu còn giúp giảm viêm, có lợi cho sức khỏe tim mạch và xương. Nhưng trong một số trường hợp, dầu ô liu sẽ gây dị ứng cho người sử dụng. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này để hỗ trợ cải thiện nhiễm khuẩn HP.
Mật ong
Theo Healthline, mật ong có khả năng kháng khuẩn chống lại khuẩn HP theo nghiên cứu của Malaysia năm 2020. Tuy chưa có nghiên cứu khẳng định mật ong tiêu diệt HP nhưng nó có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn này và rút ngắn thời gian điều trị. Mật ong nguyên chất có tác dụng kháng khuẩn, cải thiện sức khỏe tim mạch và chống oxy hóa. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, nguy cơ tăng cân.
Trà xanh
Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Tabriz (Iran), nước súc miệng chiết xuất từ trà xanh có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn HP. Trà xanh giàu polyphenol còn giúp giảm viêm, tăng quá trình đốt cháy chất béo trong thời gian ngắn, hạn chế nguy cơ tích mỡ dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, trà xanh chứa caffein, người bệnh nên cân nhắc dùng lượng vừa phải nhằm tránh mệt mỏi, mất tập trung, mất ngủ.
Rễ cây cam thảo
Đây là phương thuốc tự nhiên phổ biến cho bệnh viêm loét dạ dày. Axit glycyrrhizic có trong rễ cây cam thảo có thể chống lại vi khuẩn HP, giảm chứng khó tiêu và trào ngược axit. Các tác dụng dược lý của cam thảo còn góp phần vào đặc tính chống viêm, chống dị ứng và kháng khuẩn. Cam thảo còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh gan, rối loạn tiêu hóa, bệnh răng miệng.
Theo tờ Healthline, rễ cam thảo có thể tương tác với một số loại thuốc làm loãng máu, thuốc lợi tiểu. Nếu người bệnh dùng trong thời gian dài với số lượng lớn gây tích tụ glycyrrhizin và các triệu chứng như huyết áp cao, nhịp tim bất thường...
Bông cải xanh
Hợp chất sulforaphane trong mầm bông cải xanh có thể phòng chống lại HP. Mầm bông cải xanh có khả năng chống oxy hóa, giảm viêm và cải thiện sức khỏe đường ruột. Theo nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, bột mầm bông cải xanh có thể kháng vi khuẩn HP ở bệnh nhân tiểu đường tuýp hai và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch. Trong các trường hợp nhiễm trùng nặng, sulforaphane có thể không làm giảm hoặc diệt trừ khuẩn HP.
Khi ăn bông cải xanh, bạn nên rửa sạch để tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Tiêu thụ bông cải xanh quá nhiều có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Nghệ
Curcumin là hoạt chất trong nghệ có thể chống viêm, chống nhiễm trùng. Curcumin là polyphenol chính được phân lập từ củ nghệ có thể ngăn sự phát triển của khuẩn HP, cải thiện phản ứng của hệ thống miễn dịch, lưu lượng máu; hỗ trợ chữa lành tổn thương mô dạ dày. Nhiều nhà nghiên cứu gợi ý thêm curcumin vào phương pháp bổ trợ điều trị ít tác dụng phụ.
Thực phẩm bổ sung lợi khuẩn
Probiotics (lợi khuẩn) giúp duy trì cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong đường ruột. Men vi sinh có chứa nhiều lợi khuẩn. Theo nghiên cứu của Trung Quốc năm 2020, uống men vi sinh trước hoặc sau điều trị nhiễm khuẩn HP có thể nâng cao tác dụng của kháng sinh để đạt được kết quả điều trị tốt hơn. Bởi thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn tốt và xấu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy, Lactobacillus acidophilus mang lại kết quả tốt nhất. Loại lợi khuẩn này thường có trong sữa chua, phô mai, súp miso...
Theo Healthline, vi khuẩn HP gây ra nhiều trường hợp loét tá tràng và dạ dày ở các nước đang phát triển. Các triệu chứng đường tiêu hóa thường gặp như đau rát ở bụng, đầy hơi, buồn nôn, ăn mất ngon, ợ hơi thường xuyên... , đôi khi nhiễm khuẩn HP không có triệu chứng. Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn HP không cần điều trị và có thể tự khỏi.
Nếu muốn áp dụng các phương pháp tự nhiên bổ trợ cho quá trình điều trị, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và cân nhắc ưu, nhược điểm của từng phương pháp. Điều này có thể giúp tăng tác dụng của các loại thuốc.
Nhi Tiêu
(Theo Healthline)