Sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn trên đoàn tàu bọc thép. Bước chân xuống sân ga, trước hàng trăm ống kính máy quay và trong tiếng reo hò chào đón của người dân Việt Nam, lãnh đạo Triều Tiên nở nụ cười đầy tự tin. Nhưng khi rời ga Đồng Đăng hôm nay, ông đã không thể mang về nước một thỏa thuận chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội.
"Ông Kim không mang theo kế hoạch dự phòng", một nguồn tin am hiểu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên tiết lộ với CNN. "Ông ấy đến Hà Nội với sự tự tin lớn và rất trông đợi rằng một bản tuyên bố chung sẽ được ký".
Hai quan chức Mỹ giấu tên biết nhiều về quá trình đàm phán cho biết phái đoàn Triều Tiên đến hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai với tâm thế họ sẽ rời khỏi Hà Nội với một bản thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa các quan chức Mỹ và Triều gần như "đóng băng" chỉ vài tuần sau hội nghị thượng đỉnh lần một tổ chức ở Singapore vào ngày 12/6 năm ngoái. Phái đoàn Triều Tiên hy vọng rằng lần này tại Hà Nội, mọi việc sẽ khác vì họ trực tiếp đàm phán với Tổng thống Trump.
Trong một động thái thể hiện sự lạc quan, Chủ tịch Kim Jong-un lần đầu tiên trả lời câu hỏi của một phóng viên phương Tây trong cuộc gặp với Trump hôm 28/2. "Dựa vào những gì tôi cảm nhận bây giờ, tôi có cảm giác chúng ta sẽ có kết quả tốt đẹp", Kim Jong-un trả lời nhà báo của Washington Post tại khách sạn Sofitel Metropole trước khi hai bên bước vào thảo luận.
Tuy nhiên, mọi việc đột ngột thay đổi theo chiều hướng xấu. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc sớm hơn dự kiến trước sự ngỡ ngàng của báo chí, giới quan sát và dư luận. Tổng thống Trump không những từ bỏ đối thoại mà còn bỏ luôn cả bữa ăn trưa với lãnh đạo Triều Tiên.
Bữa trưa với món gan ngỗng, cá tuyết nướng và mứt sâm vốn là khoảng thời gian thư thả để hai bên hiểu nhau hơn trước khi bước vào phòng ký tuyên bố chung. Tuy nhiên, bữa ăn đó đã không bao giờ được dọn ra, một hình ảnh ẩn dụ cho một kết quả không ai mong đợi.
"Triều Tiên rất cần rời khỏi Hà Nội với một thỏa thuận, đặc biệt nếu quan sát cách truyền thông nước này đưa tin một cách tích cực trước và trong hội nghị. Điều đó cho thấy Triều Tiên không lường trước kết quả này", một quan chức Mỹ nói. "Bình Nhưỡng đã coi hội nghị thượng đỉnh lần này là một thành công lớn ngay cả trước khi nó diễn ra".
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Bình Nhưỡng tỏ rõ lập trường cứng rắn và kiên quyết. Họ thậm chí đe dọa hủy đàm phán nếu Washington không có thiện chí gỡ bỏ cấm vận. Đổi lại, Triều Tiên sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận mà họ cho là bước nhượng bộ lớn.
"Họ sẵn lòng trao đi mọi thứ, bao gồm cả cơ sở hạt nhân Yongbyon. Không chỉ một lò phản ứng mà cả một tổ hợp", một quan chức tiết lộ. "Họ còn sẵn sàng trình bày cam kết phá dỡ hoàn toàn cơ sở hạt nhân này bằng một văn bản chính thức. Họ bước vào cuộc chơi rất nghiêm túc. Nhưng rồi ông Trump và phía Mỹ từ chối đề xuất của họ và rời đi".
Các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng động thái bất ngờ này của phía Mỹ khiến Chủ tịch Kim và các nhà đàm phán lão luyện của Triều Tiên "ngơ ngác".
Trong buổi họp báo chiều 28/2, Tổng thống Trump khẳng định Bình Nhưỡng đã đòi gỡ bỏ "toàn bộ lệnh trừng phạt" nên ông không chấp nhận. Đến đêm hôm đó, Ngoại trưởng Triều Tiên tổ chức cuộc họp báo bất ngờ, công bố thông tin trái ngược với ông Trump. Bình Nhưỡng nhấn mạnh họ chỉ muốn gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh cấm vận đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và cuộc sống của dân thường.
"Tổ chức họp báo giữa đêm để phản ứng lại tuyên bố của Tổng thống Trump cho thấy Triều Tiên đã thất vọng và không hài lòng như thế nào", quan chức Mỹ nhận xét.
Sau buổi họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nán lại trả lời câu hỏi của phóng viên. "Chủ tịch Kim có thể đã không còn muốn đàm phán nữa", bà Choe nói. "Mỹ vừa để tuột mất một cơ hội nghìn năm có một... Chủ tịch của chúng tôi đang cảm thấy khó hiểu hệ thống đánh giá của Mỹ", nữ quan chức ngoại giao này nói.
"Chủ tịch Kim Jong-un có thể đã yêu cầu bà Choe Son-hui nói ra những điều đó", nguồn tin nói, cho rằng rất khó có khả năng một quan chức ngoại giao Triều Tiên phát ngôn như vậy mà không có sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo. "Để tiến trình ngoại giao này được nối lại, điều quan trọng bây giờ là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải ra tay, đóng vai trò hòa giải".
Chủ tịch Kim Jong-un đến Hà Nội với hy vọng đẩy nhanh các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước và tiến gần hơn nữa đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đó là một ván bài ngoại giao với cả hai bên, đáng tiếc là cuộc đàm phán đã không diễn ra như kỳ vọng, khiến tương lai đàm phán Mỹ - Triều có thể trở nên khó đoán định, các quan chức Mỹ nói.
An Hồng