Bệnh viêm đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm thanh quản... thường có biểu hiện ho, đau rát họng, khó nuốt, khiến trẻ chán ăn, kém hấp thu dinh dưỡng. Bé thường mệt mỏi, khó tập trung học. Bác sĩ Lê Huyền Nhi, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo phụ huynh tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng gồm ưu tiên đồ dễ nuốt, tăng cường bổ sung vitamin, cho con ăn đủ nhóm chất... khi mắc bệnh.
Phụ huynh nên ưu tiên chế biến món dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng như canh, cháo, súp... Trẻ cần uống nhiều nước như nước lọc, nước canh, nước trái cây... để hạn chế khô cổ, làm loãng đờm. Nếu không thể ước lượng được lượng nước mà trẻ cần bổ sung, cha mẹ có thể đánh giá màu sắc của nước tiểu để kiểm tra xem cơ thể có đủ nước hay không. Nước tiểu bình thường phải có màu trắng trong hoặc màu vàng nhạt.
Trẻ nên ăn nhiều các loại rau quả đa dạng màu sắc như ớt chuông đỏ, ớt chuông vàng, cà chua, củ cải đường, cà rốt, đu đủ, lựu... Những thực phẩm này cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Ổi, kiwi, cam, chanh, rau lá xanh, bông cải xanh giàu vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Đảm bảo đủ lượng vitamin D cũng giúp trẻ tăng sức miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Vitamin D chủ yếu được cơ thể tổng hợp từ ánh sáng mặt trời, vì vậy cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng thích hợp vào khoảng nắng dịu. Đối với trẻ biết đi, cha mẹ có thể cho trẻ mặc quần áo hở vùng tay chân, đội mũ để ánh sáng không chiếu trực tiếp vào mắt, vui chơi ngoài trời. Đối với trẻ nhỏ hơn, phụ huynh nên bổ sung vitamin D cho con theo hướng dẫn của bác sĩ. Các thực phẩm giàu vitamin D bao gồm sữa, các chế phẩm từ sữa, cá béo, lòng đỏ trứng, nấm...
Chế độ ăn đủ đạm hỗ trợ cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhanh lành bệnh. Khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp, trẻ cần lượng đạm khoảng 1,2-1,3 kcal/kg nhằm duy trì sức đề kháng tốt, tuy nhiên lượng đạm cũng khác biệt giữa các độ tuổi. Nên kết hợp đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa và đạm thực vật như các loại đậu và các loại hạt. Nếu trẻ có cảm giác chán ăn, cha mẹ nên ưu tiên bổ sung thịt, cá, trứng, đậu... trước các món khác trong bữa ăn. Bé nên uống thêm sữa tươi, sữa chua...
Thực phẩm kháng viêm như tỏi, gừng, mật ong nên được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày để tăng cường miễn dịch. Mật ong chứa hàm lượng lớn hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn góp phần ngăn ngừa các virus, vi khuẩn gây bệnh. Mật ong cũng có tác dụng làm ấm, dịu cổ họng, giảm ho, long đờm. Trẻ dưới một tuổi không nên sử dụng mật ong vì dễ gây ra ngộ độc.
Đường ruột khỏe mạnh giúp bé tăng cường miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể. Cha mẹ bổ sung cho trẻ các chế phẩm lên men như sữa chua hoặc các loại men vi sinh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ cần hạn chế các loại thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường, loại thức uống có gas và các món dễ gây đầy bụng như đồ chiên, rán. Bởi chúng có thể làm tăng phản ứng viêm, dẫn đến đầy bụng, khó thở.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |