Đường hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Với nhiệm vụ lấy không khí từ bên ngoài, làm ấm, ẩm và lọc khí rồi đưa vào phổi, những cơ quan này dễ bị tác động bởi bụi, virus, vi khuẩn, nấm mốc... Từ đó dẫn đến kích ứng, viêm nhiễm khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Viêm đường hô hấp chia thành hai nhóm, bao gồm viêm đường hô hấp trên (mũi họng, viêm tai giữa, viêm VA, viêm amidan...) và viêm đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, áp xe phổi, viêm màng phổi).
Thời điểm giao mùa, trẻ có thể gặp nhiều bệnh lý liên quan đến cơ chế miễn dịch như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, hen phế quản...
Trẻ mắc bệnh hô hấp thường có biểu hiện sổ mũi, ho, sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, khàn tiếng, khó thở kèm theo các biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Dấu hiệu ở trẻ sơ sinh thường không rõ ràng, có thể bú yếu, thở không đều, xanh xao.
ThS.BS Trần Thùy Linh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ dưới 5 tuổi bị viêm đường hô hấp phần lớn là do nhiễm virus như cúm, nCoV, virus adeno, rhinovirus... Những virus này xâm nhập vào lớp màng bảo vệ ở mũi và họng, gây phản ứng của hệ miễn dịch, làm cho trẻ đau họng, đau đầu và chảy mũi. Không khí khô có thể làm giảm khả năng chống chọi với virus, nhất là ở những trẻ sống trong nhà có người hút thuốc. Ở nhóm trẻ này, triệu chứng có thể nặng và kéo dài hơn, tăng nguy cơ viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.
Trẻ viêm đường hô hấp cũng có thể bội nhiễm vi khuẩn như liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu, tụ cầu, haemophilus influenzae type B (Hib), chlamydia trachomatis..., do hệ miễn dịch của trẻ suy yếu. Những tổn thương niêm mạc đường hô hấp do virus gây ra dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Khi đó, trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu, tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Trẻ nhỏ dưới một tuổi, sức đề kháng kém, trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A hoặc suy giảm miễn dịch (HIV, điều trị corticoid kéo dài) dễ mắc bệnh và diễn tiến nặng.
Viêm đường hô hấp có thể tái phát nhiều lần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê đây là nguyên nhân gây ra gần 20% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới. Bác sĩ Linh cho biết trung bình trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh khoảng 4-6 lần mỗi năm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể mắc bệnh 6-10 lần mỗi năm. Tại Việt Nam, số ca mắc các bệnh về đường hô hấp ở trẻ tăng nhanh theo chu kỳ hàng năm.
Bác sĩ Linh lưu ý phương pháp điều trị, chăm sóc trẻ khác nhau tùy thuộc thể trạng sức khỏe, độ tuổi, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở mức độ nhẹ, bé có thể được theo dõi, điều trị tại nhà. Thông thường, các triệu chứng sẽ nặng trong 2-3 ngày đầu, sau đó giảm dần trong những ngày tiếp khi hệ miễn dịch tiêu diệt virus. Ho có thể kéo dài 2-4 tuần sau khi các triệu chứng khác đã hết. Kháng sinh không tiêu diệt được virus, có thể nguy hiểm nếu cha mẹ tự ý sử dụng, đồng thời có thể dẫn đến vi khuẩn tiến triển thành kháng thuốc.
Cha mẹ cần vệ sinh mũi trẻ sạch bằng cách dùng khăn mềm lau mũi; nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hoặc xịt dung dịch nước biển sâu làm loãng dịch mũi và hút dịch mũi bằng dụng cụ chuyên biệt... để làm sạch mũi của trẻ. Chú ý làm thông mũi trẻ trước khi bú hoặc ăn để tránh bị nôn.
Người lớn không nên dùng miệng hút mũi cho trẻ hoặc nhỏ nước ép tỏi vào mũi có thể gây bỏng niêm mạc. Với trẻ lớn, phụ huynh hướng dẫn bé xì mũi sau khi làm loãng dịch mũi. Máy phun sương tạo ẩm sẽ giữ ẩm đường thở của trẻ, làm loãng chất nhầy và giúp trẻ dễ thở hơn.
Giữ ấm cơ thể trẻ nếu thời tiết lạnh. Trời nóng nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh nằm ngay trước luồng gió của quạt hoặc điều hòa, nhiệt độ phòng nên duy trì ở khoảng 26-28 độ C. Phòng nghỉ thông thoáng, sạch sẽ, tránh tối đa khói thuốc lào, thuốc lá, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.
Tăng tiết nhiều đờm dãi hoặc co thắt đường hô hấp trên có thể khiến trẻ ho nhiều. Mật ong không an toàn với trẻ dưới một tuổi. Với bé lớn hơn, một thìa mật ong pha với nước ấm có thể giúp giảm ho. Cha mẹ có thể thay thế bằng nước quất chưng lá hẹ, húng chanh, đường phèn.
Không tự ý dùng thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ, kể cả thuốc không kê đơn. Do phản xạ ho giúp loại bỏ virus, vi khuẩn, chất kích thích ra khỏi đường thở và phổi. Những loại thuốc ho bán trên thị trường có thể chứa các thành phần như paracetamol, decongestant, kháng histamin... Nếu tự ý uống thuốc giảm ho khi ho có đờm có thể gây tác dụng phụ như dị ứng, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ hoặc gây ứ đọng đờm, làm tăng tình trạng khó thở.
Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ (30 phút đến một giờ mỗi lần). Nếu trẻ sốt từ 37,5 đến dưới 38,5 độ C, phụ huynh có thể hạ thân nhiệt cho trẻ bằng các phương pháp hạ sốt không dùng thuốc như mặc quần áo rộng rãi, thấm hút tốt; nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát; dùng khăn ấm lau, chườm ở vùng trán, cổ, nách và bẹn.
Trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ sử dụng thuốc hạ sốt đúng chỉ định về liều lượng và thời gian. Thông thường với paracetamol (Efferalgan) loại uống hoặc viên đặt hậu môn có liều dùng 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại sau 4-6h.
Chế độ dinh dưỡng cần bổ sung đầy đủ chất. Thức ăn nên được chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như cháo, súp giúp trẻ dễ tiêu hóa. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày.
Khi trẻ nôn ói, phụ huynh cần nghiêng đầu bé sang một bên, tránh trường hợp dị vật rơi vào đường thở gây sặc, đồng thời làm sạch chất bẩn ở miệng, họng sau nôn.
Sốt, nôn ói nhiều có thể khiến trẻ mất nước và điện giải. Phụ huynh nên cho con bú tăng cữ và thời gian bú (với bé bú mẹ hoàn toàn), uống nhiều nước ấm, sữa; nước ép trái cây, bổ sung dịch bù điện giải oresol theo đúng hướng dẫn...
Bên cạnh đó, bổ sung vitamin và khoáng chất cũng hỗ trợ trẻ chống chọi với viêm đường hô hấp. Vitamin C là dưỡng chất quan trọng mà trẻ cần được bổ sung hàng ngày. Cách tốt nhất là bổ sung qua các hoa quả họ cam quýt. Ngoài ra, kẽm cũng là chất cần bổ sung. Tuy nhiên do mùi vị của kẽm khiến trẻ khó uống và buồn nôn, dùng quá nhiều có thể gây hại, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung kẽm cho con.
Nếu trẻ sốt liên tục, chậm đáp ứng với thuốc hạ sốt; ho nặng dần, ho liên tục, có rút lõm lồng ngực khi ho, da tím tái, nhịp thở nhanh, mắt trũng, da nhăn nheo, lờ đờ, mất ý thức,... phụ huynh cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |