Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự thay đổi nhu động ruột với các triệu chứng đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi... Hội chứng này thường được chia thành 3 loại là tiêu chảy chiếm ưu thế (IBS-D), táo bón chiếm ưu thế (IBS-C) và các triệu chứng hỗn hợp (IBS-M).
Thời kỳ bùng phát triệu chứng, người bệnh có thể áp dụng chế độ ăn kiêng ít FODMAP, không gluten. Hai chế độ ăn này có thể được sử dụng lâu dài chung cho các loại bệnh. Đối với các triệu chứng cấp tính, tùy vào loại IBS mà có những thay đổi trong chế độ ăn uống.
Chế độ ăn ít FODMAP
FODMAP là viết tắt của Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides and Polyols. Đây là những carbohydrate trong nhiều loại thực phẩm có xu hướng lên men và tăng thể tích chất lỏng, khí trong ruột non, ruột già. Tiêu thụ quá nhiều FODMAP có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và đau bụng. Loại bỏ các loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt các triệu chứng này bùng phát ở người mắc hội chứng ruột kích thích.
Có 5 loại carbohydrate mà người bệnh nên tránh. Fructose (đường tự nhiên) trong trái cây nhiều đường, mật ong và siro trái cây. Fructans (phân tử của đường fructose) có trong lúa mì, hành tây, tỏi, lúa mạch, bắp cải và bông cải xanh. Galactooligosacarit (các chuỗi đường galactose kết hợp với glucose ở cuối) được tìm thấy trong các loại đậu. Đường lactose có trong sữa và các thực phẩm từ sữa. Polyols (chất tạo ngọt tự nhiên) có trong các loại quả hạch, khoai lang, táo và cần tây.
Chế độ ăn không gluten
Gluten là một loại protein có trong các loại thực phẩm giàu tinh bột như gạo trắng, lúa mì, lúa mạch... Gluten có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa bất lợi. Do đó, người bệnh nên hạn chế các thực phẩm này. Để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng, người bệnh cần tránh uống rượu, caffein (trà, cà phê) và thức ăn béo; nên tập thể dục thường xuyên để duy trì chức năng ruột bình thường và giảm cân.
Để giảm táo bón mạn tính, người bệnh cần ăn nhiều chất xơ hòa tan hơn và tăng lượng tiêu thụ dần dần để cơ thể có thời gian điều chỉnh. Thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa sẽ tốt hơn chất béo bão hòa.
Các thực phẩm nên ăn là: bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, cám yến mạch, trái cây (táo, lê, kiwi, sung, trái cây sấy khô), rau (rau lá xanh, rau họ cải), các loại đậu và hạt, sữa chua, sữa không béo, cá, thịt gà không da. Thực phẩm nên tránh gồm bánh mì trắng, bánh quy giòn, chuối xanh, quả hồng, thức ăn nhanh (đồ chiên rán), đồ nướng, sữa và sản phẩm từ sữa (kem, bơ), thịt đỏ, rượu, chocolate.
Người bị hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy thường xuyên nên ăn các loại thức ăn nhạt, nhất là khi các triệu chứng nghiêm trọng. Bạn nên tránh thức ăn béo, nhiều dầu mỡ vì có thể làm tăng tốc độ co bóp của ruột, gây chuột rút và phân lỏng. Mọi người tránh chất xơ không hòa tan là loại hút nước từ ruột làm phân lỏng hoặc nhiều nước. Tốt nhất nên hạn chế lượng chất xơ ăn vào, dưới 1,5 g trong các đợt bùng phát.
Thực phẩm nên ăn gồm bánh mì trắng, mì ống, bánh quy giòn, ngũ cốc nguyên hạt, gạo trắng, cháo yến mạch, đậu phụ, chuối, các loại đậu, sữa chua, sữa hạt, sữa ít béo không đường, nước trái cây, khoa tây (luộc hoặc nướng), gà không da, thịt nạc, cá nạc, trứng.
Thực phẩm nên tránh là đồ chiên rán, thực phẩm nhiều đường (bánh, kẹo, kem, nước ngọt), trái cây sấy khô, thịt mỡ, thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt hộp), các loại rau họ cải, rau sống, sữa và các sản phẩm từ sữa, nước có ga, rượu bia, caffeine (trà, cà phê).
Người bị hội chứng ruột kích thích nên chia nhỏ bữa ăn để hạn chế gây căng thẳng cho đường tiêu hóa, đảm bảo ruột hoạt động đều đặn và nhẹ nhàng. Nếu bạn mắc IBS-D có thể ăn một bữa sáng lớn hoặc nhâm nhi cà phê vào buổi sáng để kích thích nhu động ruột, giữ ổn định chức năng tiêu hóa cả ngày.
Ăn chậm và đi dạo sau ăn để thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm nguy cơ bị đầy hơi, chướng bụng, đau dạ dày sau ăn. Khi qua thời kỳ bùng phát, bạn có thể quay lại ăn uống bình thường nhưng hạn chế chất béo, chất xơ không hòa tan, rượu bia, cà phê...
Mai Cat
(Theo Very Well Health)