Triệu chứng của dị ứng thực phẩm khác nhau ở từng người, từ nhẹ đến nghiêm trọng, nếu đe dọa tính mạng gọi là sốc phản vệ. Tình trạng dị ứng có thể nhẹ trong lần đầu nhưng đôi khi nghiêm trọng trong những lần sau. Triệu chứng có xu hướng kéo dài vài phút đến vài giờ hoặc lâu hơn như sưng và ngứa môi, miệng; đau thắt cổ họng, khàn giọng; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; nổi mề đay, phát ban; sưng, ngứa da. Dưới đây là 8 loại dị ứng thực phẩm phổ biến.
Sữa bò
Khi bị dị ứng sữa, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng thái quá với protein trong sữa là casein và whey. Đây là dị ứng thực phẩm phổ biến ở trẻ em. Theo nghiên cứu của Viện Dị ứng Thực phẩm Elliot và Roslyn Jaffe (Mỹ), trẻ em từ 5 tuổi trở lên thường sẽ hết dị ứng sữa và có thể dung nạp protein sữa ở tuổi thiếu niên.
Các sản phẩm khác chứa sữa cũng có thể gây dị ứng, mọi người nên xem kỹ thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh có phản ứng khi tiêu thụ. Những thành phần mà người bị dị ứng sữa nên tránh như casein, sữa bơ, kem sữa, điaxetyl, lactose, váng sữa.
Trứng
Dị ứng trứng là do protein trong trứng được kích hoạt khi tiêu thụ. Bạn có thể bị dị ứng với lòng trắng, lòng đỏ hoặc cả hai. Đây là loại dị ứng thực phẩm phổ biến thứ hai ở trẻ em, thường xảy ra trước 2 tuổi và thường hết khi 5 tuổi trở lên. Trứng có thể chứa trong các thực phẩm khác, người bị dị ứng trứng nên đọc kỹ nhãn thành phần trước khi dùng thực phẩm.
Protein trứng cũng có thể có trong vaccine cúm và MMR (sởi, quai bị và rubella). Nếu bạn bị dị ứng trứng nên nói với bác sĩ (nhân viên tiêm chủng) trước khi tiêm những vaccine này.
Hạt cây
Một số người có thể dị ứng với các loại hạt như hạt dẻ cười, óc chó, hồ đào, hạnh nhân, hạt phỉ... Nguy cơ phản ứng sốc phản vệ đối với các loại hạt cây cao hơn sữa, trứng hoặc lúa mì. Dị ứng hạt cây có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, thường là một chứng dị ứng kéo dài suốt đời. Một số trẻ có thể hết dị ứng hạt cây khi lên 6 tuổi. Hạt có thể có trong các loại thực phẩm, người bị dị ứng nên lưu ý ngũ cốc, bánh quy, kẹo, nước sốt, thịt nguội...
Đậu phộng
Dị ứng đậu phộng thường nguy hiểm vì tỷ lệ sốc phản vệ cao hơn dị ứng sữa hay trứng. Protein trong đậu phộng tương tự như các loại hạt cây. Nếu bị dị ứng đậu phộng, bạn có nhiều khả năng bị dị ứng hạt cây và ngược lại. Bạn bị dị ứng với đậu phộng không có nghĩa là bạn sẽ bị dị ứng với các loại đậu khác như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng.
Theo Đại học Dị ứng, Hen và Miễn dịch học Mỹ, với nhiều người, dị ứng đậu phộng kéo dài suốt đời. Một lượng nhỏ protein đậu phộng cũng có thể gây ra phản ứng, người bị dị ứng với thực phẩm này nên đọc nhãn thành phần cẩn thận. Đậu phộng có thể được tìm thấy trong các thực phẩm như tương ớt, bánh mì, ngũ cốc, bánh kem, granola, trứng cuộn, salad, kem...
Đậu nành
Cơ thể có thể phản ứng với protein trong loại đậu này. Các phản ứng dị ứng thường nhẹ nhưng đôi khi có thể nghiêm trọng, nguy hiểm tính mạng. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em và sẽ hết khi trẻ 10 tuổi. Những thhực phẩm và đồ uống có đậu nành, bạn nên lưu ý như sữa công thức cho trẻ sơ sinh, sữa đậu nành, súp miso, đậu hũ, cá ngừ đóng hộp, bơ đậu phộng, nước sốt...
Mè
Giống như các chất gây dị ứng khác, người bị dị ứng với mè (vừng) là do cơ thể có phản ứng miễn dịch với các protein trong thực phẩm này. Dị ứng mè cũng phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ em thường khỏi dị ứng mè khi lớn lên. Mè thường được sử dụng để thêm hương vị, dưới dạng lớp phủ lên trên hoặc dầu ăn. Người mẫn cảm nên tránh các món ăn có sử dụng mè như bánh mì, đồ nướng, sốt, nước chấm, kẹo, bánh quy, sushi, dầu mè...
Cá
Một số loại như cá ngừ, cá tuyết, cá bơn, cá hồi có thể gây dị ứng, do cơ thể phản ứng với protein trong cá. Phản ứng dị ứng thường là do ăn cá nhưng một số người có thể có các triệu chứng sau khi chạm vào cá hoặc hít phải hơi cá đông lạnh, cá đang nấu chín.
Động vật có vỏ
Dị ứng với động vật có vỏ (tôm, cua, ốc,...) thường có xu hướng nghiêm trọng. Phản ứng có thể xảy ra do ăn, chạm vào hoặc hít phải hơi nước khi nấu động vật có vỏ. Dị ứng thường phổ biến ở người lớn hơn và có thể tồn tại suốt đời.
Sốc phản vệ là dạng nghiêm trọng nhất của dị ứng. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như khó thở hoặc thở khò khè, cổ họng như bị nghẹn; sưng môi, lưỡi; đỏ bừng, nổi mề đay, ngứa da; buồn nôn và nôn; đau dạ dày; tim đập nhanh, huyết áp thấp; mất ý thức. Nếu có các dấu hiệu trên sau khi tiêu thụ thức ăn hoặc tiếp xúc với thực phẩm, người bệnh cần được nhanh chóng nhập viện.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)