Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng đau âm ỉ vùng bụng trên, ăn uống kém, da dẻ xanh xao, sụt cân nhiều, trong hai tháng qua. Ông có tiền sử tắc nghẽn phổi mạn tính và cao huyết áp.
BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, chẩn đoán người bệnh mất máu nặng, chỉ số hồng cầu giảm 2,5-3 lần so với bình thường, cần truyền hơn một lít máu.
Kết quả nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy người bệnh có khối u 30 x 20 cm, ở phình vị dạ dày (phần cao nhất của dạ dày), xâm lấn vào cơ hoành bên trái, hoại tử và xuất huyết bên trong, cần mổ khẩn.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, cùng ê kíp phẫu thuật nội soi thám sát đánh giá trước cho bệnh nhân. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ Hùng nhận thấy khối u quá lớn, xâm lấn vào cơ hoành, nghi ngờ u mô đệm đường tiêu hóa (một dạng ung thư), cần mổ mở để lấy trọn u. Theo bác sĩ, loại u này nếu vỡ khi mổ mở có thể lây lan tế bào ung thư ra ổ bụng, khiến bệnh tái phát nhanh. Nếu khối u vỡ gây mất nhiều máu, người bệnh có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Với sự hỗ trợ của dao siêu âm cùng máy móc hiện đại, bác sĩ cắt trọn khối u và một phần cơ hoành, không làm tổn thương các cơ quan xung quanh, hạn chế mất máu. Sau một tuần, bệnh nhân có thể ăn uống, đi lại và xuất viện.
Bác sĩ Minh Hùng cho biết đây là ca bệnh khá hiếm gặp với kích thước khối u rất lớn, bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền nên phẫu thuật cần cẩn trọng.
Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận u mô đệm đường tiêu hóa, nặng gần 2,5 kg. Sau mổ, bệnh nhân cần kết hợp hóa trị để điều trị triệt căn, theo dõi sức khỏe vì u này dễ tái phát.
Theo bác sĩ Minh Hùng, u mô đệm đường tiêu hóa bắt nguồn từ các tế bào Cajal, chiếm 3% trong các loại ung thư ở dạ dày. Loại khối u này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa, 60-70% phân bố ở dạ dày, 20-30% ở tá tràng và ruột non, đại trực tràng là 5%, thực quản và các bộ phận khác dưới 5%.
Bệnh thường có triệu chứng mơ hồ. Triệu chứng rõ hơn ở giai đoạn trễ như thiếu máu, đau bụng, hoại tử gây loét dẫn đến đi tiêu ra máu, nôn ra máu hoặc thiếu máu. Hiện, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như người từ 50 tuổi trở lên, di truyền, lối sống sinh hoạt (thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu)...
Bác sĩ Hùng khuyến cáo những người trên 40 tuổi nên tầm soát đường tiêu hóa, nội soi đại tràng giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị ít xâm lấn và hiệu quả hơn.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã thay đổi