Hầu hết các bệnh ung thư đường tiêu hóa đều diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng. Khi có biểu hiện triệu chứng, bệnh thường đã ở giai đoạn không còn sớm. Theo bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, phát hiện sớm có ý nghĩa lớn, quyết định hiệu quả điều trị. Các bệnh ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư gan... có thể điều trị triệt căn nếu phát hiện sớm.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường khó phát hiện do kích thước khối u rất nhỏ, chỉ vài mm đến vài cm. Song, sự phát triển không ngừng của y học, các tiến bộ kỹ thuật giúp người bệnh mắc ung thư được điều trị ít xâm lấn, tăng khả năng phục hồi. Hiện nay, các công nghệ hiện đại như nội soi ống mềm với dải tần hẹp NBI, phóng đại hình ảnh hơn 100 lần giúp bác sĩ quan sát vùng tổn thương, từ đó chẩn đoán ung thư ở giai đoạn rất sớm.
Do bệnh hầu như không có triệu chứng rõ ràng, chưa ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nên thường tình cờ phát hiện khi nội soi. Tiến sĩ Khanh cho biết, những người có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính, nhiễm khuẩn H.P, dị sản ruột nhiều, người trên 40 tuổi không có triệu chứng nên sàng lọc ung thư dạ dày.
Khi phát hiện ung thư dạ dày, bác sĩ lựa chọn kỹ thuật nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) hoặc cắt hớt niêm mạc (EMR) để loại bỏ toàn bộ khối u. Thao tác đốt điện trong quá trình cắt tách giúp hạn chế tối đa tổn thương và biến chứng. Theo đánh giá của tiến sĩ Khanh, do cắt được toàn bộ tổn thương, không xâm lấn các cơ quan tiêu hóa nên bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn mà không phải cắt dạ dày và điều trị hóa chất.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng gồm ung thư đại tràng và ung thư trực tràng. Các polyp (khối u) có chứa tế bào ác tính khởi phát từ lớp lót bên trong (niêm mạc) của đại tràng, trực tràng. Việc phát hiện sớm polyp đại tràng giúp nâng cao hiệu quả trong điều trị và quản lý bệnh. Đối với polyp có cuống đơn, bác sĩ có thể cắt ngay. Nếu polyp lớn không cuống, bác sĩ có thể đặt hẹn để tiến hành kỹ thuật nội soi cắt tách niêm ít xâm lấn giúp người bệnh phục hồi nhanh, tránh các biến chứng, tăng hiệu quả và độ an toàn. Người bệnh có thể không phải cắt đoạn đại tràng và điều trị hóa chất.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng bao gồm người mắc bệnh đường ruột, có yếu tố di truyền, lối sống không lành mạnh... nên thăm khám, tầm soát định kỳ. Để phòng tránh bệnh, mọi người cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thịt đỏ, thức uống có cồn, tăng thực phẩm nhiều chất xơ, tăng cường vận động...
Ung thư gan
Những người uống nhiều rượu bia, viêm gan virus mạn tính, xơ gan, béo phì hay tiểu đường type 2... làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Do bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt nên những nhóm người có nguy cơ cần quản lý tốt bệnh.
Ở giai đoạn rất sớm, u gan có thể được phát hiện qua tầm soát và điều trị bằng đốt sóng cao tần, phẫu thuật. "Kỹ thuật cao đốt sóng cao tần có thể loại bỏ khối u kích thước nhỏ, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, không để lại di chứng. Phương pháp phẫu thuật được cân nhắc nhằm ngăn chặn u di căn đến các cơ quan khác. Đối với u gan kích thước lớn và phát hiện ở giai đoạn không còn sớm, người bệnh được nút mạch hóa chất giúp tăng hiệu quả điều trị", tiến sĩ Khanh nói.
Lục Bảo