Ngày 19/9, thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Ngọc Lời, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Thắng nhập viện tình trạng đột quỵ não cấp giờ thứ hai (kể từ khi khởi phát triệu chứng). Bệnh viện kích hoạt quy trình Code Stroke dành riêng cho cấp cứu đột quỵ, mở lối đi riêng, ưu tiên thiết bị, máy móc sẵn sàng chụp chiếu, xét nghiệm. "Đây là điểm mấu chốt giúp người bệnh được đánh giá, điều trị nhanh, hạn chế di chứng và phục hồi sớm sau đột quỵ", bác sĩ Lời nói.
Kết quả chụp CT 1975 lát cắt của ông Thắng cho thấy huyết khối làm tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái tại đoạn M1, gây đột quỵ nhồi máu não cấp phần lớn bán cầu não trái. Theo bác sĩ Lời, đây là nguyên nhân khiến người bệnh bị yếu nửa người phải.
Các bác sĩ hội chẩn nhanh tại phòng chụp CT, sau khoảng 20 phút kể từ lúc người bệnh nhập viện, chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền đường tĩnh mạch, giúp giảm tổn thương não. Người bệnh được chuyển vào phòng can thiệp nội mạch, êkíp tranh thủ "giờ vàng" lấy huyết khối lớn ở động mạch não bằng dụng cụ cơ học, tái thông mạch máu não.
Êkíp can thiệp mạch đặt sheath (vỏ bọc) vào động mạch tại vùng bẹn phải. Sau đó, luồn dụng cụ chuyên dụng dọc theo động mạch chậu, động mạch chủ đi đến động mạch cảnh, cuối cùng tiếp cận đúng vị trí bị tắc nghẽn tại đoạn M1 trên động mạch não giữa trái. Bác sĩ sử dụng ống hút huyết khối chuyên dụng, luồn xuyên qua ống thông, hút hết huyết khối ra ngoài trong 10 phút.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hoàng Vĩnh Phú, Đơn vị Can thiệp mạch, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả can thiệp mạch lấy được hết huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch não giữa trái đoạn M1 bị tắc, khôi phục quá trình vận chuyển máu và oxy lên não. Người bệnh hạn chế tổn thương thần kinh, cơ hồi phục hồi tốt sau đột quỵ.
Một ngày sau, ông Thắng hồi phục sức cơ tay và chân phải gần như hoàn toàn, nói chuyện được nhưng còn hạn chế số lượng từ ngữ. Sau một tuần, ông đi đứng, vận động nhẹ, nói chuyện linh hoạt, không xuất huyết não, các chỉ số sinh hiệu ổn định. Ông được tầm soát các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tái phát đột quỵ và có chỉ định phù hợp, được xuất viện, tái khám một tuần tiếp theo.
Người bệnh đột quỵ não tắc mạch máu lớn nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời trong "giờ vàng" để điều trị thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối tái thông mạch máu thì khả năng hồi phục rất cao. "Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là 3-4,5 giờ đầu (từ khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng) đối với dùng thuốc tiêu sợi huyết, 6 giờ đầu đối với can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Lời khuyến cáo khám sức khỏe, tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Khi có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ như tê yếu, liệt tay chân hay một bên cơ thể, lệch miệng, lệch mặt, nói khó, đau đầu dữ dội, người bệnh cần được đưa đến ngay cơ sở y tế có khả năng cấp cấp đột quỵ với máy móc hiện đại, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm biến chứng.
Hoàng Phan
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |