Trả lời:
Hệ thống cấp cứu ngoại viện 115 của TP HCM là hệ thống cấp cứu chuyên nghiệp, có hơn 40 trạm vệ tinh trên toàn thành phố. Bạn hay bất kỳ ai sống tại thành phố đều có thể gọi cấp cứu 115 khi có người đột quỵ hay gặp vấn đề nghiêm trọng cần cấp cứu bất kể người bệnh đang ở nhà hay ngoài đường, công viên, nơi làm việc, khu vui chơi...
Khi tiếp nhận một cuộc gọi cấp cứu, tổng đài 115 kết nối với bệnh viện gần nơi người bệnh đang ở (thông thường trong bán kính 3 km). Ngay sau đó, đội cấp cứu ngoại viện của bệnh viện đó sẽ đến tận nhà hoặc hiện trường, sơ cứu, đánh giá nhanh và chuyển viện.
Người dân cũng có thể chủ động gọi cấp cứu trực tiếp đến bệnh viện gần nhất, ưu tiên bệnh viện có trạm cấp cứu vệ tinh 115. Các bệnh viện này luôn có bộ phận túc trực cấp cứu 24/7 và tất cả ngày trong tuần. Ví dụ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bộ phận này ghi nhận thông tin, địa chỉ, đồng thời hướng dẫn người bệnh hay người xung quanh nên làm gì trong khi đợi xe cấp cứu đến. Song song đó, đội cấp cứu ngoại viện tại bệnh viện sẽ lên đường. Thông thường, đội có một bác sĩ chuyên khoa cấp cứu và 1-2 điều dưỡng. Trường hợp cấp cứu đặc biệt sẽ có các chuyên gia cấp cứu tham gia.
Xe cấp cứu thường được ưu tiên nên tốc độ di chuyển nhanh. Trong một số trường hợp như kẹt xe, xe cấp cứu khó đến tận nơi, người nhà cần ứng biến nhanh, tự đưa người bệnh đến bệnh viện bằng ôtô.
Ưu điểm của xe cấp cứu là trên xe thường trang bị những thiết bị hỗ trợ cấp cứu cơ bản, bác sĩ sơ cứu, theo dõi, xử lý nếu có biến cố xảy ra. Đội cấp cứu thông báo trước về bệnh viện để khởi động sẵn quy trình tiếp đón liên quan.
Quy trình tiếp nhận khác nhau, tùy vào loại bệnh cấp cứu. Với cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Tâm Anh triển khai quy trình Code Stroke chuyên biệt, tập trung và ưu tiên nhân sự, máy móc phục vụ khẩn cấp từ các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực.
Các bác sĩ đánh giá lâm sàng, chỉ định chụp chiếu nhanh để ghi nhận, đánh giá thể loại đột quỵ, thời gian, mức độ bệnh. Các máy móc thế hệ mới như máy CT 1975 lát cắt giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong vài phút, đẩy nhanh quá trình điều trị. Tùy thể loại, tình trạng đột quỵ, bác sĩ chỉ định cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch hay phẫu thuật.
Cấp cứu đột quỵ cần trong thời gian "vàng", tức 3-4,5 giờ đầu với dùng thuốc tiêu sợi huyết, 6 giờ đầu hoặc hơn với can thiệp mạch và 6-8 thậm chí hơn 24 giờ với phẫu thuật. Thời gian cấp cứu càng ngắn hiệu quả điều trị càng cao, nguy cơ chuyển nặng và nằm viện ít, khả năng phục hồi cao.
TS.BS. Lê Văn Tuấn
Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |