Theo Medical News Today, ở người bệnh tiểu đường, đường huyết thường tăng sau khi ăn. Trung bình tăng đường huyết xảy ra 75 phút sau khi bắt đầu bữa ăn. Các dấu hiệu ban đầu của tăng đường huyết gồm khát nước, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt, đau đầu.
Lượng đường trong máu tăng đột biến liên tục có thể khiến người bệnh tiểu đường nhiễm toan ceton - một biến chứng nguy hiểm. Nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể bù đắp sự thiếu hụt insulin bằng cách phá vỡ chất béo để tạo năng lượng, sản xuất ceton là hợp chất thải độc tích tụ trong máu, nước tiểu. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như hơi thở có mùi, khô miệng, buồn nôn và nôn, người yếu, nôn nao và khó thở. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm toan ceton do tiểu đường có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Lượng đường trong máu tăng cao đột biến còn gây ra hội chứng tăng đường huyết. Hội chứng này xảy ra khi cơ thể tăng cường sản xuất insulin để hấp thu glucose và hạ đường huyết, nhưng ở người tiểu đường hormone này hoạt động kém hoặc không hoạt động. Trong tình huống này, glucose tích tụ trong máu và làm tăng lượng đường đào thải qua nước tiểu, gây mất nước cực độ dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.
Đường huyết cao liên tục không được kiểm soát, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như tổn thương thần kinh, mù lòa, tổn thương hoặc suy thận, bệnh tim mạch, nhiễm trùng da, vết thương chậm lành, tổn thương bàn chân dẫn đến cắt cụt...
Tăng đột biến lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường thường do các yếu tố như:
Chế độ ăn uống: Ăn thực phẩm chứa nhiều đường hoặc carbohydrate có nhiều khả năng làm đường huyết tăng đột biến hơn các thực phẩm khác.
Ít hoạt động thể chất: Lối sống ít vận động có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Tập thể dục cường độ cao cũng có thể dẫn đến căng thẳng về thể chất, kích thích lượng đường trong máu tăng đột biến. Do đó, người tiểu đường nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, tránh tập với cường độ cao. Nếu muốn tập thể dục cường độ cao, bạn nên tập ngắt quãng.
Hút thuốc: Hút thuốc lá gây khó khăn cho việc giữ đường huyết ở mức bình thường và có thể phải cần dùng liều insulin lớn để kiểm soát. Người bệnh tiểu đường nên ưu tiên bỏ thuốc lá để tránh đường huyết tăng cao.
Căng thẳng: Cơ thể chịu nhiều căng thẳng sẽ sản sinh ra các hormone làm tăng đường glucose và giảm hiệu quả của insulin, kết quả là làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Người bệnh có thể tập yoga hoặc thiền để giảm mức độ căng thẳng, qua đó, giữ ổn định đường huyết.
Thiếu ngủ: Đối với người bệnh tiểu đường, giấc ngủ tốt và đều đặn là một yếu tố quan trọng trong kiểm soát đường huyết. Thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể khiến đường huyết tăng lên đột biến. Ví dụ, corticosteroid, thuốc lợi tiểu, một số thuốc huyết áp và chống trầm cảm. Dùng sai liều lượng insulin hoặc bỏ liều có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Người tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra và theo dõi đường huyết để ngăn ngừa tăng đột biến. Nếu có các dấu hiệu của tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu trên 180 mg/dl trong 2 giờ sau ăn, người bệnh nên liên hệ bác sĩ để tránh rủi ro có thể xảy ra.
Duy trì lối sống lành mạnh giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn và có thể không cần dùng thuốc. Ví dụ, tuân theo chế độ ăn uống với thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, tức nhỏ hơn 55, tránh thực phẩm có GI cao, từ 70 trở lên. Tập thể dục thường xuyên với cường độ nhẹ đến trung bình có thể làm tiêu hao một phần lượng glucose dư thừa trong máu.
Người không mắc tiểu đường cũng có nguy cơ bị tăng đột biến đường huyết nếu mắc các bệnh lý như béo phì, huyết áp cao, buồng trứng đa nang, tiền sử tiểu đường thai kỳ. Người ít vận động, căng thẳng thường xuyên, sử dụng một số loại thuốc cũng có thể bị tăng đột biến lượng đường trong máu dù không mắc bệnh này.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)