Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể rất nhẹ mà người bệnh không nhận thấy rõ. Các triệu chứng bao gồm rất khát, đi tiểu nhiều, nhìn mờ, cáu kỉnh, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân, mệt mỏi, vết thương không lành, nhiễm trùng nấm men, cảm thấy đói, giảm cân mà không cần cố gắng, nhiễm trùng nhiều hơn. Biểu hiện sẫm màu, da sần sần quanh cổ hoặc nách (bệnh gai đen) có thể là dấu hiệu cơ thể đề kháng với insulin.
Yếu tố nguy cơ
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay ngoài nguyên nhân do các tế bào không sử dụng insulin hiệu quả, các yếu tố gây bệnh khác bao gồm:
Tuổi tác, tiền sử gia đình: 45 tuổi trở lên; cha mẹ, anh chị em trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2; người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha...
Sức khỏe và tiền sử bệnh: Gene, thừa cân, béo phì là những yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2. Theo bác sĩ Trâm, nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường nhưng không phải ai thừa cân cũng mắc bệnh đái tháo đường type 2. Hội chứng chuyển hóa như lượng đường trong máu cao, mỡ thừa quanh eo, huyết áp cao, cholesterol và chất béo trung tính cao cũng là yếu tố nguy cơ. Các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả nên glucose không thể đi nuôi cơ thể; tế bào beta suy giảm chức năng. Người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi mang thai hoặc sinh con nặng hơn 4 kg; hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS); trầm cảm.
Thói quen và lối sống: Ít hoặc không tập thể dục (hoạt động thể chất ít hơn 150 phút một tuần), hút thuốc, căng thẳng, ngủ quá ít hoặc quá nhiều...
Chẩn đoán
Bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường có thể chỉ định xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Xét nghiệm A1c: Đo mức đường huyết trung bình của một người trong khoảng 2 hoặc 3 tháng.
Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (xét nghiệm đường huyết lúc đói): Người bệnh sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước) trong 8 giờ trước khi thử nghiệm.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: Phương pháp này kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau 2 giờ uống nước ngọt để xem xét cách cơ thể xử lý đường.
Điều trị
Việc điều trị có thể kết hợp giữa hai yếu tố thay đổi lối sống và dùng thuốc.
Thay đổi thói quen sinh hoạt: Ăn kiêng và tập thể dục có thể đạt được mức đường huyết mục tiêu. Giảm thêm 5-7% trọng lượng cơ thể hoặc duy trì mức cân nặng hiện tại giúp giảm, ổn định mức đường huyết. Kiểm soát khẩu phần ăn và các loại thực phẩm lành mạnh cũng là cách cải thiện sức khỏe.
Ăn uống lành mạnh: Không có chế độ ăn uống cụ thể cho người bệnh đái tháo đường type 2. Bạn nên lập kế hoạch ăn uống tập trung vào các yếu tố: ăn ít calo hơn; cắt giảm lượng carbs tinh chế, nhất là đồ ngọt; thêm rau và trái cây vào chế độ ăn uống; thu nạp nhiều chất xơ hơn.
Tập thể dục: Bạn nên duy trì hoạt động thể chất 30-60 phút mỗi ngày thông qua các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc các động tác giúp nhịp tim tăng lên; kết hợp cùng các bài tập rèn luyện sức bền như yoga hoặc cử tạ. Nếu người bệnh dùng thuốc giảm lượng đường trong máu cần ăn nhẹ trước khi tập.
Theo dõi lượng đường trong máu tại nhà: Tùy vào phương pháp điều trị, nếu người bệnh đang sử dụng insulin, bác sĩ sẽ sẽ đưa ra kế hoạch kiểm tra lượng đường trong máu, tần suất thực hiện kiểm tra đường huyết tại nhà.
Kết hợp sử dụng thuốc điều trị: Nếu giải pháp thay đổi lối sống không giúp người bệnh đạt được mức đường huyết mục tiêu, người bệnh có thể cần dùng thuốc.
Khi liệu pháp kết hợp vẫn không phát huy tác hoặc chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thêm loại thuốc noninsulin thứ ba hoặc có thể bắt đầu điều trị bằng insulin cho người bệnh.
Phòng ngừa
Bác sĩ Quỳnh Trâm cho biết, bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể kiểm soát bằng cách ăn uống lành mạnh và vận động mỗi ngày. Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc uống, thuốc tiêm khác hoặc insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, tránh các biến chứng.
Người đã mắc bệnh cần ăn uống lành mạnh và hoạt động mỗi ngày nếu dùng insulin hoặc các loại thuốc khác. Mục tiêu quan trọng là giữ cho huyết áp và cholesterol gần với mục tiêu bác sĩ khuyến cáo và làm các xét nghiệm tầm soát cần thiết.
Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Bác sĩ sẽ tư vấn về thời gian bao lâu nên kiểm tra và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Căng thẳng có thể khiến việc kiểm soát bệnh khó khăn hơn bao gồm cả việc quản lý lượng đường trong máu và chăm sóc bệnh hàng ngày. Hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc và thực hiện các bài tập thư giãn có thể hữu ích. Người bệnh ói chuyện với bác sĩ để có được giải pháp kiểm soát căng thẳng, duy trì tái khám định kỳ để kế hoạch kiểm soát bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang đi đúng hướng.
Hoàng Trang