Ông Cường khởi phát triệu chứng bất thường khi đang đi chơi, gia đình đưa vào một phòng khám gần đó, được kê toa thuốc về uống. Sau đó, triệu chứng tăng nặng kèm thêm méo mặt bên phải, nói đớ, uống nước bị sặc, đến khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.
Ngày 11/12, BS.CKI Hồng Văn In, Trưởng Đơn vị Cấp cứu, cho biết khi nhập viện sức cơ nửa người phải của ông Cường giảm 50%, động mạch lớn trong não đang tắc hẹp nặng. Triệu chứng đột quỵ khởi phát 5 ngày trước, tính mạng chưa bị ảnh hưởng nhưng không có nghĩa đã hết nguy hiểm. "Triệu chứng đang nặng dần, nguy cơ diễn biến xấu đột ngột hoặc tái phát đột quỵ rất cao", bác sĩ In nói.
Kết quả chụp MRI 3 Tesla sọ não ghi nhận ông Cường bị hẹp nặng - tắc động mạch thân nền, nhồi máu não cấp vùng cầu não lệch trái. Đây là động mạch quan trọng cung cấp máu lên não. Đánh giá tình trạng đột quỵ của bệnh nhân theo thang điểm NIHSS ghi nhận 6 điểm. NIHSS là thang điểm dùng để đánh giá tiên lượng lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp, điểm càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng.
ThS.BS Lê Thị Yến Phụng, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nồng độ mỡ trong máu của bệnh nhân tăng rất cao, đồng thời có bệnh nền xơ vữa động mạch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hẹp nặng - tắc động mạch nền, gây đột quỵ nhồi máu não. Khả năng động mạch này bị tắc nghẽn mạn tính, nhờ các mạch máu não lân cận hỗ trợ, bù trừ cho phần máu thiếu hụt lên não nên lâm sàng bệnh nhân không xấu đi đột ngột.
Thời điểm cấp cứu cho ông Cường đã vượt quá "giờ vàng" (3-4,5 giờ đầu, có thể mở rộng lên 6 giờ hoặc hơn tùy trường hợp) dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch để loại bỏ huyết khối đối với đột quỵ nhồi máu não. Do đó, bác sĩ điều trị bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và theo dõi sát sinh hiệu, tầm soát kỹ các yếu tố nguy cơ tái phát đột quỵ, theo dõi tích cực để phòng ngừa bệnh tăng nặng, nguy cơ tái phát đột quỵ đe dọa tính mạng.
Qua ba ngày điều trị tích cực theo phác đồ đa mô thức, kiểm soát chặt nồng độ mỡ máu, sức khỏe ông Cường cải thiện. Sức cơ nửa người bên phải đạt 4/5, giảm nói ngọng, uống nước đỡ sặc, mặt hết méo. Đánh giá thang điểm NISHH còn 4, tức giảm 2 điểm so với nhập viện.
Xuất viện sau 4 ngày tiếp theo, ông Cường cần duy trì uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu trong thời gian dài theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa tái phát đột quỵ. Đồng thời, ông cần tập phục hồi chức năng di chứng sau đột quỵ để cải thiện tình trạng yếu nửa người bên phải.
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu khẩn cấp. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói đớt, đau đầu, mờ mắt... người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên môn cấp cứu đột quỵ hoặc gọi 115 để được hỗ trợ, xử lý kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm.
Người thuộc nhóm nguy cơ cao đột quỵ như cao tuổi, từng đột quỵ, mắc bệnh nền như rối loạn nhịp tim, mỡ máu cao, đái tháo đường, béo phì... nên tái khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh. Cần khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ để kịp thời phát hiện, điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |