ThS.BS Nguyễn Duy Anh Tùng, Trung tâm Y khoa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đa số trẻ bị tiêu chảy liên quan mật thiết tới chế độ dinh dưỡng, số ít do các bệnh lý liên quan đường ruột hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Ngày Tết, khí hậu trở lạnh, trẻ ăn uống thất thường, có thể tăng nguy cơ bị tiêu chảy.
Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ ngay để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị đúng cách. Tình trạng tiêu chảy dẫn đến mất nước và các chất điện giải (natri, kali, canxi và magie), gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, xác định nguyên nhân gây tiêu chảy là bước rất quan trọng để có phương hướng điều trị và chăm sóc phù hợp.
Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc chưa được bác sĩ tư vấn. Thay vào đó, phụ huynh nên theo dõi các triệu chứng tiêu chảy như tần suất đi tiêu, màu sắc và chất lượng phân; ghi chép lại chi tiết các bữa ăn dịp Tết để hỗ trợ xác định nguyên nhân. Sau đó, gia đình cần lắng nghe bác sĩ hướng dẫn để chăm sóc, điều trị cho trẻ tại nhà.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Cha mẹ cũng chú ý điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, đảm bảo trẻ vẫn được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Bác sĩ Tùng gợi ý một số thực phẩm tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa ở trẻ mắc tiêu chảy, có thể bổ sung vào thực đơn ngày Tết.
Gừng: giảm nhu động ruột, giảm quá trình sinh hơi của vi khuẩn ở dạ dày, ruột, giúp chất thải đi qua đường tiêu hóa chậm hơn.
Gạo trắng: cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp lợi khuẩn phát triển, nhu động ruột hoạt động bình thường, phân cứng hơn.
Bánh mì: giúp giữ nước trong cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hóa ngăn ngừa tình trạng đi tiêu nhiều lần trong ngày.
Súp/cháo gà: dễ tiêu hóa, bù nước, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng.
Khoai tây: chứa một lượng lớn kali và chất xơ hòa tan giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Thịt: cung cấp protein giúp cơ thể khỏe, cân bằng các dưỡng chất.
Sữa chua: cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm nhẹ tình trạng tiêu chảy.
Chuối: chứa kali, pectin, inulin... bổ sung lượng điện giải, giúp cơ thể hấp thu các chất lỏng dư thừa trong ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa, tạo điều kiện cho các lợi khuẩn phát triển.
Hồng xiêm: chứa nhiều canxi, photpho, vitamin, các loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tanin và polyphenol có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, làm sạch dạ dày và cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Ổi: chứa tanin và vitamin C giúp trẻ cải thiện các triệu chứng của tiêu chảy, tăng cường hệ miễn dịch.
Táo: chứa nhiều chất xơ, đặc biệt là pectin tác dụng hỗ trợ điều trị tiêu chảy hiệu quả. Tuy nhiên, cha mẹ nên nấu chín táo trước khi cho trẻ ăn, nhằm tránh để hệ tiêu hóa phải hoạt động quá nhiều, giúp hấp thu các dưỡng chất và đường có sẵn trong táo.
Đồng thời, phụ huynh tránh các loại thức ăn có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ trong bữa ăn, ví dụ sữa và các sản phẩm làm từ sữa chứa lactose, một số loại trái cây và nước ép chứa nhiều đường, chất xơ (đào, lê, mận,...), thủy - hải sản, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ.
Trong trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ nên được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Lý do là hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu. Sữa mẹ giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy ở trẻ và giảm nguy cơ mắc các bệnh khác.
Trẻ trên 6 tháng tuổi đã bắt đầu ăn dặm và lớn hơn. Cha mẹ cần chế biến và lựa chọn thực phẩm cần đảm bảo an toàn, vệ sinh, thức ăn nấu kỹ để tránh tiêu chảy.
Giản Đơn