Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM; bác sĩ dinh dưỡng tại Hệ thống phòng khám dinh dưỡng Nutrihome, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm thế giới có khoảng 1,5 tỷ trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh tiêu chảy. Trong đó có khoảng 4 triệu trẻ tử vong, 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh phổ biến ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
"Tiêu chảy là căn bệnh rất hay gặp phải ở trẻ nhỏ, bệnh dù cấp tính hay mạn tính đều sẽ khiến trẻ dễ bị mất nước, điện giải (natri, kali, clorua). Nếu không có biện pháp can thiệp sớm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy còn dễ bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, trẻ trở nên yếu ớt, phát triển chậm hơn so với trẻ đồng trang lứa", bác sĩ Loan cho biết.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em là hiện tượng trẻ đi tiêu nhiều lần hơn bình thường, thay đổi tính chất phân – phân lỏng như nước hay có nhầy nhớt, máu; kéo dài dưới 14 ngày. Trong khi đó, tiêu chảy mạn tính ở trẻ em là hiện tượng trẻ đi ngoài phân lỏng (nhiều nước) nhiều hơn 3 lần mỗi ngày và kéo dài từ 4 tuần trở lên.
Mặc dù tiêu chảy cấp hiếm khi gây hậu quả nghiêm trọng, đa số chỉ cần chăm sóc trẻ tại nhà, điều chỉnh chế độ ăn uống, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu có. Tuy nhiên, nếu không điều trị tiêu chảy cấp tính cho trẻ đúng cách, kịp thời, có thể khiến tình trạng của trẻ nặng hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng của bé.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Hồng Loan, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, trong đó có 2 nguyên nhân thường gặp nhất là trẻ bị nhiễm Rotavirus và chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học.
Nhiễm Rotavirus là nguyên nhân phổ biến, chiếm 40% các trường hợp trẻ bị tiêu chảy. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào mùa đông, thời gian ủ bệnh từ 12 giờ đến 5 ngày, kéo dài 3 ngày lên đến một tuần.
Kế đến là nguyên nhân trẻ chưa có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bé được cung cấp quá nhiều thức ăn cùng lúc, thực phẩm thiếu đảm bảo an toàn vệ sinh, thức ăn bị ôi thiêu hay không được nấu chín kỹ... là những nguyên nhân thuộc nhóm này.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác khiến trẻ dễ bị tiêu chảy khác như trẻ mắc một số bệnh liên quan đến đường ruột, nhiễm vi khuẩn Coli, dịch tả, bị dị ứng với protein có trong thực phẩm, các loại thịt, cá, sữa. Bác sĩ Hồng Loan khuyến cáo, trẻ bị tiêu chảy thường có tốc độ đào thải phân cao nên dễ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị và bù nước kịp thời.
Tiêu chảy còn có mối liên hệ vòng xoắn với bệnh lý suy dinh dưỡng. Trẻ bị tiêu chảy kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, trẻ có xu hướng biếng ăn, kém hấp thu dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ, dẫn đến hệ miễn dịch suy kém, trẻ càng dễ mắc tiêu chảy hơn và các đợt tiêu chảy sau thường kéo dài hơn.
Cách chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp tính hay mạn tính, nguy cơ mất nước và các chất điện giải rất dễ xảy ra. Do đó, việc bù nước đúng cách cho trẻ là rất quan trọng, bên cạnh các lưu ý về ăn uống, dùng thuốc... Dưới đây, bác sĩ Hồng Loan khuyến nghị về chăm sóc trẻ bị tiêu chảy:
Cha mẹ bù lại lượng nước đã mất bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hoặc uống Oresol, dung dịch chứa glucose và chất điện giải theo chỉ dẫn của thầy thuốc, bác sĩ hoặc thông tin từ nhà sản xuất.
Me cho trẻ sử dụng men vi sinh theo chỉ dẫn nhằm cung cấp hệ vi khuẩn có lợi giúp tăng đề kháng cho hệ tiêu hoá; tiếp tục cho trẻ bú mẹ đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi.
Với trẻ lớn hơn, vẫn nên cho bé ăn uống bình thường, chia nhỏ các bữa ăn hoặc cung cấp cho trẻ với khối lượng thức ăn ít hơn để giảm nguy cơ trẻ nôn mửa.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, rau củ quả (nên ăn chín), tránh các đồ uống ngọt vì chúng có quá nhiều đường và nồng độ chất điện giải không phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy, Gia đình không nên cho bé ăn thực phẩm giàu chất béo sẽ gây khó hấp thụ.
Phụ huynh nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, chế biến mềm, lỏng như cháo loãng với thịt nạc, cà rốt, chuối... Gia đình vẫn nên tiếp tục cho con sử dụng sữa bò bình thường, không cần thiết pha loãng hay ngừng sữa.
Người lớn lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn nguồn gốc thực phẩm và sơ chế cẩn thận trước khi chế biến.
"Trong thời gian trẻ mắc bệnh tiêu chảy, trẻ dễ mệt mỏi và chán ăn. Vì vậy, chế độ ăn uống cần đặc biệt lưu ý để không làm gián đoạn quá trình cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho trẻ. Việc bù nước, bù khoáng hay dùng thuốc cho trẻ cũng cần tuân thủ theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ tiêu chảy kéo dài, bố mẹ nên cho trẻ đi thăm khám được bác sĩ chuyên môn tư vấn và can thiệp kịp thời", bác sĩ Hồng Loan cho biết.
Minh Trang