Theo bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính - Khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp nhưng không phải ai bị mất ngủ cũng là bệnh. Mất ngủ bất thường khi kéo dài liên tiếp nhiều ngày hoặc lặp đi lặp lại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Mất ngủ thường kèm theo các triệu chứng như khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên tỉnh giấc, thức dậy quá sớm, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, buồn ngủ vào ban ngày, thiếu tập trung, giảm khả năng ghi nhớ...
Tùy theo mức độ và thời gian, mất ngủ có thể phân loại thành mất ngủ cấp tính và mạn tính. Bác sĩ Đính cho biết, mất ngủ cấp tính (mất ngủ ngắn hạn) kéo dài từ vài đêm đến vài tuần. Nguyên nhân từ một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như mất người thân, thay đổi công việc, kinh doanh thua lỗ... Căng thẳng là yếu tố làm tăng sinh gốc tự do, tổn thương thành mạch, thiếu máu lên não và dẫn đến mất ngủ. Các triệu chứng của mất ngủ cấp tính thường tự biến mất theo thời gian hoặc khi các yếu tố gây căng thẳng được giải quyết.
Trong khi đó, mất ngủ mạn tính xảy ra ít nhất ba đêm mỗi tuần và lặp lại liên tục trong ba tháng hoặc lâu hơn. Tình trạng này có thể đến từ nhiều nguyên nhân và người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt. Ngoài căng thẳng, mất ngủ mạn tính còn liên quan đến các yếu tố như bệnh lý toàn thân (cao huyết áp, hen suyễn, thoái hóa khớp, đau dạ dày, sỏi thận, đau đầu...); phòng ngủ quá sáng, quá ồn hoặc chật chội; ăn uống không hợp lý; rối loạn nội tiết...
Mất ngủ cấp tính nếu không được can thiệp kịp thời có thể trở thành mất ngủ mạn tính, làm giảm khả năng tập trung làm việc vào ban ngày, tăng nguy cơ tai nạn, mắc các bệnh lý như trầm cảm, tiểu đường, cao huyết áp, đau tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ...
Các biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ
Theo bác sĩ Đính, người bệnh cần lưu ý cải thiện chất lượng giấc ngủ ngay từ khi phát hiện những rối loạn giấc ngủ đầu tiên. Mỗi người cần xây dựng nhịp sinh học của giấc ngủ điều độ bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ (ví dụ ngủ trước 23 giờ và thức dậy vào 6 giờ sáng). Thời gian biểu này nên được áp dụng cho tất cả các ngày, kể cả cuối tuần. Các thói quen ảnh hưởng xấu ảnh hưởng đến giấc ngủ cần thay đổi như xem tivi, điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ, ăn quá no hoặc uống nước chứa chất kích thích (rượu bia, cà phê, trà...) vào ban đêm. Không gian ngủ cần yên tĩnh, sạch sẽ, thoải mái, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.
Dinh dưỡng đúng cũng góp phần xây dựng giấc ngủ tốt. Các bữa ăn giàu chất xơ, magiê, tryptophan và ít chất béo bão hòa như thịt gà, cá, lòng trắng trứng, rau bina, bánh mì nguyên cám, ngũ cốc, gạo lứt... sẽ có lợi cho não bộ. Người bệnh cũng có thể bổ sung các dưỡng chất thiên nhiên có tác dụng cải thiện mất ngủ. Ví dụ quả blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có khả năng chống gốc tự do, hoạt huyết, góp phần tăng cường máu lên não, hỗ trợ tăng kết nối thần kinh. Nhờ đó, bạn có thể giảm căng thẳng, bớt đau đầu, giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Các bài tập phù hợp như thiền, yoga, chạy bộ, bơi lội, đạp xe... nên thực hiện ít nhất 30 phút một ngày, 5 ngày một tuần. Tập luyện thể dục đều đặn giúp giải tỏa căng thẳng, thả lỏng cơ thể để giấc ngủ đến dễ dàng hơn.
Bác sĩ Đính chia sẻ thêm, nếu áp dụng nhiều biện pháp mà giấc ngủ không cải thiện, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị mất ngủ. Tránh tự ý lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần bởi dùng không đúng cách làm phá vỡ chu kỳ thức - ngủ tự nhiên, gây lệ thuộc thuốc và tăng nguy cơ mất ngủ mạn tính.
Hường Nguyễn