Thoái hoá xương khớp xảy ra khi lớp sụn bị mất đi khiến các khớp cọ xát vào nhau, gây ra cơn đau. Tình trạng thoái hóa là không thể đảo ngược và thường trở nên nặng hơn theo thời gian. Thông thường tình trạng này xảy ra ở khu vực khớp gối và khớp hông, những khu vực chịu tác động nhiều khi chạy bộ, nên nhiều người cho rằng, môn thể thao này có liên quan đến nguy cơ thoái hóa khớp.
Thực tế, nhiều runner cho biết, họ thường được khuyên giảm nhẹ cường độ tập luyện. Cứ 4 chân chạy thì có một người được khuyên giảm tần suất chạy bộ. Dần dần, điều này hình thành nên quan niệm rằng chạy bộ có hại cho khớp. Tuy nhiên, Quỹ Viêm khớp Mỹ cho biết, không có mối liên hệ rõ ràng giữa chạy bộ và thoái hóa khớp.
Theo một nghiên cứu do Viện phẫu thuật chỉnh hình Mỹ thực hiện, khảo sát 4.000 vận động viên tham dự Chicago Marathon, chạy bộ không liên quan đến khả năng gia tăng nguy cơ thoái hoá khớp gối hay khớp hông.
Bác sĩ Matthew Hartwell, tác giải chính của nghiên cứu, cho biết 7,3% số người tham gia khảo sát bị thoái hoá khớp hông và đầu gối. Tuy nhiên, tình trạng này không liên quan đến số năm họ đã chạy, số lượng các cuộc thi marathon họ từng tham gia, hay quãng đường hàng tuần, tốc độ trung bình. Thay vào đó, yếu tố như chấn thương, tiền sử phẫu thuật ở hông và đấu gối, tuổi cao, tiền sử gia đình, chỉ số BMI mang đến nguy cơ thoái hoá khớp.
Theo tác giả của nguyên cứu, chạy bộ thực sự còn giúp các khớp khỏe mạnh bằng cách liên tục bôi trơn các khớp. Giữa các khớp có chất lỏng hoạt dịch, đóng vai trò bôi trơn. Chạy bộ giúp cho môi trường chất lỏng hoạt dịch này luôn khỏe mạnh, không có các tác nhân gây viêm, vốn có thể làm tiến triển quá trình thoái hóa khớp.
Ngoài ra, chạy bộ có thể không ngăn ngừa được các yếu tố nguy cơ không thể tránh khỏi đối với bệnh viêm xương khớp như tuổi tác, tiền sử gia đình, nhưng có thể ngăn chặn vấn đề đề về tim và béo phì. Đây vốn là hai tình trạng có liên quan mật thiết đến nguy cơ viêm khớp.
Theo chuyên gia y học thể thao Kenton Fibel, chạy bộ tốt cho sức khỏe nhưng điều quan trọng là cần chuẩn bị đúng cách trước khi bắt đầu tập luyện môn thể thao này. Các hoạt động thể thao khác nhau có sự tham gia của các các cơ và tải trọng đặt lên các khớp khác nhau. Ví dụ một người đang chuyển từ đạp xe sang chạy bộ, cần tập trung tăng cường sức mạnh cho cơ hông, cơ đùi trước để giúp các cơ này làm quen với tải trọng tác động cao hơn.
Những người bị viêm xương khớp vẫn có thể tập luyện nhiều hoạt động thể chất, trong đó có chạy bộ, miễn là không tập luyện quá sức. Theo chuyên gia, không nên tập nặng ngay từ thời điểm bắt đầu, bạn nên tăng cường sức mạnh cho các cơ dần dần để chúng chịu được tải trọng cơ thể sau đó gia tăng dần quãng đường chạy.
An Thủy (Theo Heathline)