Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), mức độ ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao hơn 100 lần so với ngoài trời và ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như: ung thư, viêm phổi, hen suyễn, phản ứng dị ứng, bệnh tim.
Những người bệnh hô hấp hoặc tim mạch, cũng như trẻ nhỏ và người lớn tuổi, có nhiều nguy cơ gặp một số vấn đề sức khỏe liên quan đến chất lượng không khí trong nhà thấp.
Các triệu chứng hô hấp không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cho thấy cần kiểm tra chất lượng không khí. Thực hiện các bước để tăng chất lượng không khí trong nhà có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Giảm chất ô nhiễm
Tìm hiểu về các nguồn ô nhiễm phổ biến và hạn chế chất ô nhiễm là một cách quan trọng để giữ cho không khí trong nhà luôn sạch sẽ.
Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, không màu, không mùi, được sinh ra từ quá trình phân hủy uranium trong đất và đá. Radon thường có trong không khí ngoài trời nhưng cũng có thể được tìm thấy với số lượng tập trung trong một số ngôi nhà xây dựng trên phần đất có mỏ uranium. Theo EPA, radon là yếu tố hàng đầu góp phần gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc lá tại Mỹ.
Bộ dụng cụ kiểm tra tại nhà cung cấp một cách đơn giản để kiểm tra mức độ của radon trong nhà. Nếu việc kiểm tra cho thấy lượng radon cao trong không khí, bạn có thể cắt giảm chất ô nhiễm này bằng cách phủ một lớp không thấm trên nền nhà để radon không thể xâm nhập vào không gian sống.
Khói thuốc lá khiến những người hít vào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm một số loại ung thư. Khói thuốc được tìm thấy trên các bề mặt như quần áo hoặc đồ đạc hấp thụ nó, cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Cách tốt nhất để loại bỏ khói thuốc lá là không hút thuốc trong nhà. Nếu có thể, bạn nên giảm thiểu thói quen có hại này, vì khói thuốc trên quần áo vẫn có thể ảnh hưởng đến không gian sống và chất lượng không khí.
Formaldehyde là một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phổ biến, hoặc VOC - một trong nhiều loại khí độc hại đôi khi phát ra từ các vật dụng gia đình thông thường, là những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà. Formaldehyde thường có trong các loại keo được sử dụng cho các vật liệu như gỗ composite và nhiều loại đồ nội thất. Tiếp xúc quá nhiều với chất này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, trong đó có viêm phế quản.
Bạn có thể giảm ảnh hưởng của formaldehyde đến chất lượng không khí bằng cách: chọn đồ nội thất đã qua sử dụng bởi vì đồ nội thất có xu hướng giải phóng lượng formaldehyde thấp hơn theo thời gian; lựa chọn đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối thay vì gỗ composite.
Một số chất tẩy rửa có chứa các chất độc hại, có thể tồn tại trong không khí bao gồm: chất tẩy rửa kính, chất tẩy trắng, thuốc xịt làm sạch... Chọn các sản phẩm an toàn, không độc hại có thể giúp bạn giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ.
Kiểm tra chất lượng không khí
Bạn có thể tìm thấy nhiều bộ dụng cụ kiểm tra chất lượng không khí trên mạng. Một số sản phẩm cho phép bạn kiểm tra nhiều chất ô nhiễm, trong khi những bộ dụng cụ khác chỉ kiểm tra một chất, như radon. Vì nhiều bộ kiểm tra tại nhà không toàn diện nên việc thử chất lượng không khí có thể hợp lý nếu bạn chỉ kiểm tra một hoặc hai chất ô nhiễm cụ thể. Nếu muốn có một bảng kết quả đầy đủ, bạn nên thuê những người có chuyên môn. Họ có thể cung cấp các dịch vụ bổ sung để giúp bạn kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, chẳng hạn như dịch vụ ngăn ngừa và loại bỏ nấm mốc...
Kiểm soát các chất gây dị ứng
Các chất gây dị ứng và kích thích thường có trong nhà gồm bụi bặm, lông thú cưng, nấm mốc, mạt bụi... Loại bỏ những chất gây dị ứng này sẽ cải thiện chất lượng không khí tổng thể trong không gian sống, giúp giảm nguy cơ mắc các triệu chứng về đường hô hấp như: sổ mũi, chảy nước mắt, viêm họng, hắt hơi, viêm da, ngứa...
Để kiểm soát chất gây dị ứng, các chuyên gia khuyến nghị nên tắm cho thú cưng thường xuyên; giặt ga trải giường, vỏ chăn, gối bằng nước nóng hai lần mỗi tháng để loại bỏ mạt bụi; hút bụi thường xuyên để hạn chế tích tụ lông thú cưng, bụi và mạt bụi trong nhà; cọ rửa nấm mốc khỏi các bề mặt không thấm nước như gạch, kim loại bằng chất tẩy trắng hoặc dung dịch xà phòng; thay thế thảm, gỗ hoặc vách thạch cao - những nơi nấm mốc đang làm tổ.
Sử dụng máy lọc không khí
Máy lọc không khí giúp không khí trong nhà sạch hơn. Máy lọc không khí có bộ lọc hấp thụ hạt hiệu quả cao (HEPA) có thể loại bỏ 99% các hạt có hại khỏi không khí, bao gồm các hạt virus cúm. Tuy nhiên, máy lọc không khí không thể loại bỏ tất cả ô nhiễm, vì vậy bạn có thể cân nhắc một bộ lọc không khí chuyên dụng để giảm khí VOC, khói, nấm mốc, carbon dioxide dư thừa, hoặc chất gây dị ứng như lông thú.
Cải thiện thông gió
Giữ cho không khí lưu thông trong nhà là một cách đơn giản, tiết kiệm để cải thiện chất lượng không khí. Bạn có thể mở cửa sổ và cửa ra vào để không khí sạch bên ngoài tràn vào trong nhà. Không khí cũng có thể đi qua các lỗ thông hơi hoặc các khoảng trống nhỏ quanh nhà.
Do đó, để kiểm soát không khí đi vào nhà qua lỗ thông hơi, bạn nên thường xuyên làm sạch hoặc thay thế bộ lọc trong hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát (điều hòa, máy sưởi); đảm bảo ống dẫn khí trong nhà sạch sẽ và không bị tắc nghẽn vì bụi có thể tích tụ theo thời gian; kiểm tra các bộ lọc trong các thiết bị mang không khí vào nhà và thay chúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Giảm độ ẩm
Không gian trong nhà ẩm thấp có thể dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe, bao gồm sự phát triển của nấm mốc. Sự ẩm ướt và độ ẩm cao cũng có thể khiến chất VOC ngấm vào không khí. Các yếu tố như khí hậu ẩm ướt, đường ống nước bị rò rỉ, quanh nhà có nước đọng, thông gió thấp ở những khu vực có nhiều hơi nước (phòng tắm, nhà bếp).
Tình trạng ẩm thấp có thể dẫn đến nhiều triệu chứng về đường hô hấp: ho, thở khò khè, lên cơn hen suyễn... Bạn có thể giảm độ ẩm trong nhà bằng cách sử dụng máy hút ẩm; bật hút gió, hút mùi hoặc mở cửa sổ khi đang tắm hoặc nấu ăn; làm sạch và khắc phục các khu vực bị đọng nước hoặc hơi ẩm trong nhà.
Kiểm tra hệ thống sưởi
Bếp và lò sưởi bằng củi có thể thải ra một lượng lớn các hạt độc hại vào không khí trong nhà, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hệ thống sưởi bằng lò cũ hoặc thiết bị sưởi sử dụng gas tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Hệ thống sưởi bằng khí đốt có khả năng giải phóng nhiều carbon monoxide, một loại khí không mùi có thể gây ngạt thở và tử vong. Các tùy chọn sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời và điện có thể giữ cho không khí trong nhà sạch hơn nhiều so với các hệ thống sưởi khác.
Trồng cây trong nhà
Một đánh giá nghiên cứu chứng minh, cây trồng trong nhà có thể giúp giảm thiểu các chất ô nhiễm không khí như VOC và các hạt mịn. Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng phù hợp trồng trong nhà, vì chúng có thể là nguồn nấm mốc hoặc gây dị ứng.
Các loại cây được công nhận có hiệu quả trong việc giữ sạch không khí trong nhà bao gồm: cây chi huyết giác (dracaena), một giống cây trong nhà phổ biến thường có lá hình kiếm với nhiều màu sắc; cây lan ý (spathiphyllum); cây thường xuân (hedera helix).
Châu Vũ (Theo Healthline)