Sau ba tuần điều trị hoại tử bàn chân do tiểu đường, ông Thạnh, 70 tuổi, ngụ Bình Định, được xuất viện. Bác sĩ khuyên ông ăn nhiều rau xanh, không ăn mỡ, hạn chế thịt đỏ và tránh rượu bia.
Về quê dịp Tết nhiều tiệc tùng, ông Thạnh không khỏi lo lắng về chuyện ăn uống. Mắc bệnh tiểu đường, ăn uống "xả lán" khiến đường huyết cao, cộng với chăm sóc vết thương sai cách khiến chân ông nhiễm trùng lan rộng. Tết này, ông Thạnh quyết tâm ăn uống điều độ, kiêng bia rượu, thịt mỡ vì sợ "mất luôn chân còn lại".
Tương tự, bà Lý, 74 tuổi, ngụ Đồng Nai, mắc bệnh tiểu đường 8 năm, hiện ngón chân bị nhiễm trùng. Lo tránh biến chứng tiểu đường, bà Lý cùng con cháu gói bánh tét cho vui chứ không dám ăn như mọi năm.
Khác với Tết trước, năm nay, bà Thủy, 72 tuổi, ngụ Bạc Liêu, chỉ ở nhà, không đến họ hàng vì lo tăng đường huyết, lại nhập viện. Bà ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bà Thủy từng điều trị tiểu đường tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Trước đó, bà cấp cứu do nhiễm toan ceton kèm áp xe to ở bắp tay và bắp đùi trái, sốt cao, mê sảng, suýt nhiễm trùng huyết.
ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết điều trị bệnh tiểu đường cần kết hợp với bộ ba gồm thuốc, dinh dưỡng, vận động, song song kiểm soát các yếu tố khác như mỡ máu, tăng huyết áp, cân nặng... Ngày Tết, dù vui chơi, ăn uống nhưng người bệnh phải kiểm soát chế độ ăn uống để đảm bảo ổn định đường huyết.
Nguyên tắc ăn uống chung là giảm các tác nhân chính gây tăng đường huyết, bao gồm tinh bột cơm, bánh chưng, bánh tét, bánh mì, bún, bánh kẹo ngọt, trái cây chín ngọt, nước ngọt, đường...
Nếu thích bánh chưng, bánh tét thì người bệnh vẫn có thể ăn nhưng chọn loại ít thịt mỡ và chỉ dùng khoảng 100 g bánh chưng tương đương 1/8 cái. Nếu đã ăn bánh chưng thì giảm các món nhiều tinh bột khác trong ngày.
Người bệnh cần ăn lượng đạm đủ và vừa phải, bổ sung đạm thực vật hoặc từ cá, thịt nạc trắng gà, heo. Tăng cường ăn rau củ nhiều chất xơ và ít carbohydrate. Hạn chế thịt đỏ, thịt mỡ và các nhóm carbohydrate hấp thu nhanh có nhiều trong bánh, kẹo, mứt, quả chín, nước ngọt...
Bác sĩ Bích cho biết hiểu rõ về bệnh, nắm bắt cách kiểm soát đường huyết tốt giúp quá trình điều trị bệnh nhẹ nhàng. Thói quen hàng ngày với chế độ ăn lành mạnh, rèn luyện thể lực thường xuyên, uống thuốc đều đặn giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt, giảm áp lực tâm lý. Người bệnh cần đến bác sĩ khám định kỳ để ổn định chỉ số đường huyết, vui đón Tết.
Người có các vấn đề về kiểm soát đường huyết, sức khỏe nên đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị phù hợp.
Đinh Tiên
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |