Theo Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan, được chia thành hai loại gan nhiễm mỡ do bia rượu và không do bia rượu. Các nghiên cứu cho thấy, có đến 90% người hay uống rượu bia bị gan nhiễm mỡ. Tỷ lệ này ở người béo phì là 95%.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia thường do chế độ ăn uống mất cân bằng, nhiều dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, lười vận động, sử dụng thuốc điều trị dài ngày... gây hại cho gan, ứ đọng nhiều chất béo và glycogen. Những điều này gây suy giảm chức năng gan, dẫn đến các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Phương pháp điều trị ban đầu cho gan nhiễm mỡ là giảm cân, thông qua sự kết hợp giữa giảm calo, tập thể dục và ăn uống lành mạnh để giảm cholesterol trong máu và tế bào gan. Chế độ ăn uống cho người bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm: tăng cường rau xanh và hoa quả, hạn chế tinh bột, đường muối, chất béo bão hòa, rượu bia.
Bác sĩ Phương gợi ý một số loại thực phẩm tốt cho gan mà mọi người không nên bỏ qua.
Lá sen và lá trà
Lá sen có chứa nhiều chất như tanin, nuciferin, axit citric, vitamin C... Những dưỡng chất này có công dụng cân bằng tỷ lệ mỡ máu trong gan, từ đó góp phần phục hồi, tăng cường chức năng gan, giúp gan khỏe mạnh. Lá sen có thể kết hợp với táo mèo, lá chè xanh và một số thảo dược khác mang lại hiệu quả tốt hơn cho người bị gan nhiễm mỡ.
Cách đơn giản là dùng lá sen phơi khô pha với nước sôi uống như trà. Trà lá sen có khả năng làm tăng tính đàn hồi của thành mạch, giảm cholesterol máu và phòng chống sự tích tụ mỡ trong gan. Lưu ý khi uống trà cần pha loãng và không uống quá 200-300 ml một ngày.
Các loại rau quả tươi
Các loại rau quả như cải xanh, cải cúc, rau bina, rau muống, cà chua, cà rốt, măng, mướp, bí đao, dưa chuột, dưa gang... giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chúng giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cholesterol nên rất tốt cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ.
Người trưởng thành nên ăn 240 g trái cây và 300 g rau xanh để cung cấp đủ chất xơ mỗi ngày. Trong các loại rau quả được khuyến cáo tốt cho những lá gan bị nhiễm mỡ, rau cần và bắp trái là hai loại thực phẩm được nhắc đến nhiều. Các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phộng...; thức ăn chế biến từ đậu nành, đậu xanh, đậu đen... cũng có lợi cho người bệnh vì chứa các axit béo không no.
Cá nước lạnh
Các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích... chứa rất nhiều dưỡng chất, nhất là axit béo omega-3 tốt cho cơ thể. Dưỡng chất này tốt cho gan nhiễm mỡ vì giúp chống viêm, tăng HDL, giảm nồng độ triglyceride trong máu - loại chất béo chính gây nên căn bệnh này.
Củ nghệ
Thành phần curcumin trong nghệ có thể làm giảm các dấu hiệu tổn thương ở những người bị gan nhiễm mỡ. Hoạt chất curcumin có khả năng loại bỏ các tác động của nồng độ leptin, kích hoạt các tế bào, làm giảm quá trình hủy hoại gan. Người bệnh có thể dùng nghệ để chế biến thức ăn.
Tỏi
Tỏi không chỉ tăng hương vị cho món ăn mà còn giúp giảm trọng lượng cơ thể và chất béo ở trong gan. Tỏi rất giàu hàm lượng allicin sulfur, có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol xấu, khiến chúng trở nên vô hại và đào thải ra khỏi cơ thể. Hai hoạt chất này còn có thể ức chế sự tổng hợp của cholesterol ở gan và ức chế men fructose để lipid ở gan không bị lắng đọng. Nhờ vậy, tỏi hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ. Một nghiên cứu của Đại học Khoa học Y khoa Kermanshah và Isfahan (Iran) năm 2020 trên 110 người bị gan nhiễm mỡ cho thấy, khoảng 51% trường hợp dùng 800 mg bột tỏi trong 15 tuần giảm mỡ gan đáng kể.
Bác sĩ Phương chia sẻ thêm, cho đến nay, gan nhiễm mỡ vẫn chưa có thuốc chữa dứt điểm, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Người bệnh cần thay đổi lối sống, sinh hoạt, vận động khoa học, kiểm tra sức khỏe định kỳ và có thể bổ sung các dưỡng chất từ thiên nhiên tác động đến quá trình giải độc, chống oxy hóa tế bào gan và giúp ly giải các chất béo dư thừa tích lũy bên trong gan. Từ đó, người bệnh có thể cải thiện tình trạng mỡ gan, phòng ngừa bệnh tiến triển thành viêm gan, xơ gan.
Quyên Phan