Bánh mì chứa nhiều carbohydrate, người bệnh tiểu đường có thể ăn với lượng vừa phải. Một số loại còn có protein, giàu chất xơ góp phần ổn định đường huyết.
Bánh mì nguyên hạt
Bánh mì nguyên hạt làm từ lúa mì nguyên hạt, lúa mạch đen, yến mạch, quinoa (diêm mạch), kê, ngô giúp tăng giá trị dinh dưỡng và giảm tốc độ tăng đường huyết sau ăn.
Bánh mì nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và protein hơn bánh mì trắng, tốt cho người bệnh. Chất xơ và protein được tiêu hóa lâu hơn, làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) vào máu, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.
Bánh mì nảy mầm
Bánh mì nảy mầm không chứa tinh bột mì vì chúng được làm từ các loại ngũ cốc, đậu và hạt đã nảy mầm. Quá trình hạt nảy mầm giúp hạ thấp chỉ số đường huyết (GI) của bánh mì và tăng thành phần dinh dưỡng. Các loại ngũ cốc nảy mầm thường chứa đủ 9 axit amin thiết yếu, giàu protein và chất xơ, ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu sau ăn.
Loại bánh mì này có kết cấu cứng hơn, người bệnh có thể bảo quản trong tủ đông để giữ được lâu. Khi dùng thì nướng lên và nên ăn ngay, để nguội bánh sẽ cứng lại.
Bánh mì bột chua
Bánh mì bột chua được làm từ bột lúa mì (bột mì) lên men tự nhiên, chứa men vi sinh (vi khuẩn tốt) có lợi cho sức khỏe đường ruột. Đường ruột khỏe mạnh giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn, giảm viêm và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Phân tích tổng hợp năm 2018 của Trường Đại học Nebraska Lincoln, Mỹ, dựa trên 140 nghiên cứu, cho thấy các loại thực phẩm lên men như sữa chua, rau lên men, trà kombucha, ngũ cốc lên men (gồm bánh mì làm từ bột chua) chứa các vi sinh vật sống cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và các bệnh tim mạch.
Bánh mì hữu cơ
Bánh mì hữu cơ được làm từ thành phần như lúa mì, lúa mạch hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chúng cũng không chứa các thành phần biến đổi gene, không tiếp xúc với bùn thải... Tuy nhiên, bánh mì hữu cơ thường có giá thành đắt hơn bánh mì thông thường.
Bánh mì không chứa gluten
Gluten là loại protein có trong lúa mì và nhiều loại ngũ cốc khác nhau. Người tiểu đường mắc bệnh celiac cần tránh gluten. Trong một số trường hợp, protein này có thể gây dị ứng cho một số người, với các triệu chứng như tiêu chảy, đầy bụng, đau bụng, táo bón, viêm mô tiêu hóa. Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, kê và quinoa không chứa gluten.
Bánh mì từ các loại ngũ cốc nguyên hạt có ít đường bổ sung và giàu chất xơ nên là lựa chọn ưu tiên. Người bệnh tiểu đường cần kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng như calo, carbohydrate và thành phần khác trên nhãn để tránh ảnh hưởng đến đường huyết.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |