Nhiều phụ nữ mong muốn có con nhưng mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn do ảnh hưởng của các chứng bệnh mạn tính liên quan đến sức khỏe sinh sản. Ba chứng bệnh mạn tính dưới đây sẽ có những ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình thụ thai cũng như mang thai:
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung hoặc ngay tại tử cung, thường là trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu, tương tự như cách niêm mạc bên trong tử cung hoạt động hàng tháng, dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu, đau bụng khi hành kinh.
Các mô sẹo và tình trạng viêm nhiễm có thể ngăn cản quá trình rụng trứng, làm tắc ống dẫn trứng, gây khó khăn cho quá trình thụ thai và làm tổ, dẫn tới vô sinh.
Không có phương pháp chữa trị khỏi hoàn toàn lạc nội mạc tử cung, các phương pháp điều trị thường tập trung vào điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) hoặc nội khoa (sử dụng thuốc), song song với đó là áp dụng một số liệu pháp để cải thiện các triệu chứng bệnh.
Phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung vẫn có khả năng có thai nhưng tỷ lệ khá thấp. Bệnh gồm 4 giai đoạn, giai đoạn 1 được coi là thể nhẹ và giai đoạn 4 là nặng nhất. Trong đó, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung ở giai đoạn 1 hoặc 2 có cơ hội mang thai nhiều hơn bệnh ở giai đoạn 3 hoặc 4. Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sẽ được khuyến khích mang thai tự nhiên trong 6 tháng, làm thụ tinh trong tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm hoặc phẫu thuật tùy từng trường hợp và tình trạng bệnh.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là tình trạng mất cân bằng hormone ở nữ giới. Bệnh gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng. Buồng trứng đa nang cũng có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, một trong số đó là tình trạng kháng insulin. Thống kê cho thấy hơn một nửa số phụ nữ mắc buồng trứng đa nang mắc tiểu đường ở tuổi 40.
Các triệu chứng của buồng trứng đa nang bao gồm kinh nguyệt không đều, mọc mụn trứng cá, tăng cân ngoài ý muốn, rụng tóc, mọc nhiều lông trên mặt và cơ thể. nồng độ hormone nam cao ngăn cản sự rụng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không rụng trứng hàng tháng. Ngoài ra, thừa cân làm giảm khả năng sinh sản và có thể góp phần khiến phụ nữ mắc buồng trứng đa nang mất nhiều thời gian hơn để thụ thai.
Điều trị buồng trứng đa nang đa phần dựa trên các triệu chứng. Nếu phụ nữ đang cố gắng mang thai, các bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kích thích rụng trứng. Một nghiên cứu cho thấy, 80% người bị buồng trứng đa nang điều trị bằng thuốc clomiphene citrate đã rụng trứng thành công và một nửa trong số này có thể có thế thai tự nhiên.
Trong quá trình mang thai, buồng trứng đa nang không gây tác động lên thai nhi, nhưng một số tình trạng bệnh liên quan trong đó có tiểu đường thai kỳ, có thể gây ảnh hưởng.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là tình trạng những khối u lành tính phát triển xung quanh tử cung, kích thước có thể bé bằng hạt đậu và cũng có những trường hợp to bằng quả dưa hấu.
Hầu hết các khối u xơ không có triệu chứng và không cần điều trị. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của chúng, u đôi khi có thể gây ra tình trạng chảy máu, đau bụng kinh, đau thắt lưng... U xơ tử cung thường được chuẩn đoán qua quá trình khám phụ khoa, xác nhận bằng siêu âm và chụp cắt lớp.
Vị trí và kích cỡ của các khối u xơ tử cung là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Các khối u lớn có thể làm tổn thương tử cung và các cơ quan sinh sản xung quanh.
Trong hầu hết các trường hợp, u xơ tử cung không ảnh hưởng đến quá trình thụ thai, đồng thời không làm tăng nguy cơ sẩy thai. Đối với trường hợp khối u xơ có kích thước nhỏ hơn 5 cm và không gây biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, trong suốt thai kỳ cần tuân thủ chặt chẽ lịch thăm khám của bác sĩ để được theo dõi sát sao, can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Mai Mai (Theo HealthCentral)