Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bao gồm các triệu chứng: chu kỳ kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, lông tóc phát triển quá mức và tăng cân... Phụ nữ mắc PCOS có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe do mất cân bằng nội tiết tố và gặp các vấn đề về trao đổi chất.
Dưới đây là 5 lầm tưởng về buồng trứng đa nang mà nhiều người dễ mắc phải:
Tỷ lệ mắc buồng trứng đa nang không cao
Ước tính có 5 đến 10% phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh đẻ mắc buồng trứng đa nang, tương ứng là 5 triệu phụ nữ. Con số này cho thấy đây là một trong những rối loạn nội tiết tố phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tuy nhiên, theo Tổ chức PCOS (Mỹ), con số thực tế có thể còn lớn hơn. 50% số phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thực sự không được chẩn đoán chính xác, có nghĩa là hàng triệu phụ nữ không biết mình đang mắc hội chứng này. Điều này dẫn tới việc buồng trứng đa nang được xem là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
Chỉ phụ nữ thừa cân mới mắc buồng trứng đa nang
Nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang thừa cân hoặc béo phì. Béo phì có thể làm cho các triệu chứng buồng trứng đa nang trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, không phải chỉ những người béo phì mới mắc hội chứng này. Thực tế, ở những người mắc buồng trứng đa nang, cơ thể không sử dụng insulin đúng cách và có thể dẫn đến tăng cân. Đó là lý do tại sao người mắc bệnh này cần ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Bệnh không liên quan đến hormone
Nguyên nhân chính xác của buồng trứng đa nang hiện giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên Tiến sĩ Justin Sloane, chuyên gia sản phụ khoa ở bang Pennsylvania, Mỹ, giải thích, trong khi tất cả phụ nữ sản xuất một lượng nhỏ androgen (nội tiết tố nam) thì những người bị buồng trứng đa nang có nhiều nội tiết tố androgen hơn bình thường. Điều này có thể ngăn cản quá trình rụng trứng và làm cho chu kỳ kinh nguyệt không đều. Các nang trứng phát triển và tích tụ dịch nang nhưng trứng không được giải phóng. Việc rụng trứng không xảy ra và các nang có thể tồn tại.
Phụ nữ bị buồng trứng đa nang cũng sản xuất dư thừa estrogen hay còn gọi là nội tiết tố nữ. Nồng độ estrogen cao trong thời gian dài có thể dẫn đến sự quá sản của lớp niêm mạc tử cung, là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư tử cung.
Nhiều phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có tình trạng kháng insulin. Điều này phổ biến nhất ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, có thói quen ăn uống không lành mạnh, tập thể dục không điều độ hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Phụ nữ có mẹ và chị em gái bị buồng trứng đa nang cũng có nhiều khả năng bị bệnh.
Nếu giảm cân có thể giúp hết bệnh
Không có phương pháp nào chữa khỏi buồng trứng đa nang nhưng phụ nữ thừa cân và béo phì khi kiểm soát được cân nặng có thể giúp cân bằng lượng hormone, cải thiện các triệu chứng để ngăn ngừa các nguy hiểm tiềm ẩn. Thay đổi lối sống bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, cải thiện cách cơ thể sử dụng insulin sẽ làm giảm các nguy cơ về bệnh lý chuyển hóa.
Mắc buồng trứng đa nang thì không thể mang thai
Thực tế điều này không đúng với tất cả mọi người, dù hội chứng này làm cho phụ nữ khó khăn trong việc có con và là nguyên nhân gây vô sinh nữ. Rối loạn phóng noãn khiến người mắc buồng trứng đa nang dễ vô sinh hiếm muộn.
Tuy khó nhưng phụ nữ bị buồng trứng đa nang vẫn có khả năng có thai tự nhiên. Do đó, vẫn phải sử dụng các biện pháp tránh thai nếu nữ giới chưa có kế hoạch sinh con.
Trường hợp bệnh nhân muốn sớm có con có thể dùng thuốc điều trị, hoặc một số thủ thuật khác nhưng có nhược điểm là dễ để lại các mô sẹo trên buồng trứng. Hiện nay, có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến và mang tính hiệu quả cao cho bệnh nhân hiếm muộn do buồng trứng đa nang, như thuốc kích thích rụng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo PGS.TS.BS Lê Hoàng, GĐ TT Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cần tiếp cận bệnh nhân buồng trứng đa nang dưới góc nhìn toàn diện, đa chiều. Buồng trứng đa nang không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nữ, mà còn tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung gấp 3 lần, đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch... Do đó, bệnh nhân cần phối hợp thay đổi lối sống, chăm sóc kết hợp đa chuyên khoa để phòng ngừa sớm nguy cơ các bệnh lý nói trên.
Thanh Ba (Theo Penn Medicine)