Khó nuốt là tình trạng người bệnh phải dùng sức để đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày. ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một người mắc chứng khó nuốt nếu xuất hiện các dấu hiệu như: dễ bị nghẹn khi ăn, cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, ngực hoặc sau xương ức; ho hoặc nôn khan, nôn trớ; ợ chua hay khàn giọng thường là do bị trào ngược dạ dày thực quản. Tăng tiết nước bọt và không kiểm soát được nước bọt trong miệng, dễ bị chảy nước dãi; sụt cân không rõ nguyên do, viêm phổi tái phát... cũng là dấu hiệu của tình trạng này.
Bác sĩ Quỳnh Ngân chia sẻ thêm, khó nuốt còn có thể xuất hiện khi thần kinh hoặc các cơ hoạt động bất thường như mắc bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc xơ cứng teo cơ bên. Khó nuốt còn có thể cảnh báo các tình trạng sức khỏe sau:
Viêm thực quản: Đây là bệnh lý xảy ra do trào ngược dạ dày thực quản. Khi trào ngược không được điều trị dứt điểm và thường xuyên tái phát sẽ làm nặng thêm bệnh viêm thực quản, dẫn đến hẹp thực quản, gây khó nuốt.
Đờ thực quản: Đây là tình trạng các cơ thực quản không thể co bóp để đẩy thức ăn xuống dạ dày. Cơ thực quản thắt và mở không đúng lúc làm cản trở quá trình đẩy thức ăn từ thực quản xuống dạ dày. Bệnh này có thể tác động lên cả thần kinh và các cơ để chi phối thực quản.
Ung thư: Nhiều loại ung thư ở hệ tiêu hóa có thể gây ra triệu chứng khó nuốt, trong đó, thường gặp là ung thư thực quản. Các khối u ác tính sẽ hình thành và phát triển trong lớp niêm mạc thực quản, làm hẹp lòng thực quản. Hậu quả là xuất hiện các triệu chứng như khó nuốt, ợ chua, sụt cân không rõ nguyên do...
Màng ngăn hay vòng thực quản: Đây là những tăng sinh lành tính phát triển từ mô thực quản, gây khó nuốt. Nguyên nhân này ít gặp.
Những nguyên nhân khác gây khó nuốt bao gồm: chèn ép thực quản từ bên ngoài; sự lão hóa; hẹp thực quản sau xạ trị hoặc phẫu thuật, uống phải các chất hóa học; bệnh túi thừa thành hầu...
Để tìm ra nguyên nhân gây khó nuốt, bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện nội soi qua đường miệng. Thông qua ống nội soi này, bác sĩ sẽ quan sát được tình trạng bên trong thực quản, dạ dày và hành tá tràng. Chụp barit cản quang cũng có thể giúp phát hiện bệnh lý ở thực quản. Nếu cần thiết, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như đo áp lực thực quản, theo dõi pH, xét nghiệm máu hoặc chụp MRI...
Bác sĩ Quỳnh Ngân chia sẻ, để điều trị chứng khó nuốt, bác sĩ cần xác định được chính xác nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ chỉ định dùng thuốc thích hợp hoặc có thể phẫu thuật nếu nguyên nhân gây bệnh là do ung thư. Người mắc chứng khó nuốt cần thực hiện chế độ ăn đảm bảo đủ chất với thức ăn lỏng, dễ nuốt; hạn chế các món cay nóng quá mức, không uống rượu bia và không hút thuốc lá. Thường xuyên vận động, kiểm soát tốt căng thẳng và nghỉ ngơi đầy đủ cũng rất có ích.
Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể chưa biểu hiện triệu chứng rõ rệt, gây chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng như viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp trên do vô tình hít phải thức ăn hoặc nước bọt vào đường hô hấp; suy dinh dưỡng, mất nước do nôn nghẹn, không nhận đủ chất dinh dưỡng; viêm nắp thanh quản (một tình trạng cần cấp cứu)... Người bệnh nên lưu ý những bất thường và kịp thời thăm khám.
Phi Hồng