Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn, nước uống sau khi xuống dạ dày vì một bất thường ở hệ tiêu hóa sẽ trào ngược lên thực quản, kèm theo dịch dạ dày. Dấu hiệu đặc trưng là ợ nóng, ợ chua. Ngoài ra, trào ngược còn có các triệu chứng khác như nuốt vướng, đau họng, buồn nôn, nôn ói, đắng miệng, chua miệng, đau ngực, ho kéo dài, rối loạn giấc ngủ...
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu chủ quan và không điều trị kịp thời, trào ngược có thể phát triển thành những biến chứng nguy hiểm như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, tiền ung thư và ung thư thực quản. Theo bác sĩ Hoài Phương, dưới đây là những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Phụ nữ mang thai: Thường mắc trào ngược dạ dày thực quản do sự thay đổi các hormone như progesterone, relaxin... Tăng progesterone quá mức làm giãn rộng cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Sự gia tăng đột ngột hormone relaxin khi mang thai cản trở quá trình tiêu hóa, làm thức ăn ở lại trong dạ dày lâu hơn, tăng tiết axit, từ đó, gây ra hiện tượng ợ hơi, đầy bụng. Thai nhi phát triển cũng gây áp lực lên dạ dày, đè lên cơ thắt thực quản dưới, thúc đẩy axit trào ngược. Hiện tượng này thường xuất hiện ở ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ.
Người tiếp xúc với thuốc lá: Bất kể hút thuốc lá chủ động hay thụ động, khi khói thuốc đi vào cơ thể qua đường thực quản sẽ kích thích tiết pepsin, thúc đẩy trào ngược dạ dày thực quản; làm tăng nguy cơ, tác hại của vi khuẩn HP và tăng sản xuất các gốc tự do... Khói thuốc còn làm giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, ức chế bài tiết các chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, dẫn đến giảm tái tạo tế bào, làm vết loét lâu lành.
Người bị căng thẳng kéo dài: Áp lực từ cuộc sống, làm việc, học tập... là những nguyên nhân thường gặp gây trào ngược dạ dày thực quản ở người trẻ.
Bác sĩ Hoài Phương chia sẻ, căng thẳng kéo dài làm tăng tiết axit dạ dày và thúc đẩy quá trình co bóp dạ dày diễn ra mạnh, làm cho cơ vòng thực quản dưới mở rộng dẫn đến chứng trào ngược. Căng thẳng thần kinh thường gây rối loạn và giảm tốc độ tiêu hóa thức ăn. Thức ăn tồn đọng trong dạ dày lâu hơn, sinh hơi và làm tăng áp lực cũng khiến cơ vòng thực quản dưới mở ra.
Người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ bị gây ra bởi ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và ít rau xanh...; thói quen ăn quá no hoặc quá nhanh, ăn xong nằm ngủ ngay. Khi ăn quá no, các cơ quan trọng hệ tiêu phải hoạt động quá mức, dạ dày căng phồng, nhu động ruột chậm lại và dịch tiêu hóa tiết ra không đủ nên thức ăn ở lại trong dạ dày lâu hơn, tăng nguy cơ trào ngược.
Thoát vị hoành: Cơ hoành là cơ ngăn cách giữa bụng và ngực. Khi mắc phải bệnh lý này, cơ hoành xuất hiện lỗ hổng thoát vị, tạo điều kiện cho các cơ quan trong khoang bụng di chuyển ngược lên lồng ngực, làm cho các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản dễ dàng hơn. Các bệnh lý khác như liệt dạ dày, các bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì... thường có triệu chứng là trào ngược dạ dày thực quản. Những vấn đề như nhiễm khuẩn HP, viêm loét hoặc viêm sung huyết dạ dày... cũng khiến tổn thương dạ dày, gây rối loạn cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
Tác dụng phụ của thuốc: Điều trị hen suyễn, giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs, thuốc kháng histamine, thuốc an thần... có thể là nguyên nhân của tình trạng này.
Bác sĩ Hoài Phương cho biết, trào ngược có khả năng tái phát cao, khoảng 70% người bệnh tái phát trong vòng một năm. Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Để quá trình điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn, người bệnh cần chú ý thực hiện lối sống khoa học như thường xuyên vận động, duy trì cân nặng lành mạnh; không ăn quá nhanh và quá no, không ăn quá khuya, chia nhỏ bữa ăn; thư giãn tinh thần, kiểm soát căng thẳng...
Đối với chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần hạn chế rượu bia và các thức uống có gas; tránh các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, trái cây có vị chua, có khả năng kích thích và làm tăng tiết axit dạ dày; tăng cường các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo nguyên cám, yến mạch; ăn trái cây ít chua, sữa chua; chọn các loại thịt dễ tiêu hóa như thịt lợn, thịt gà...
Theo bác sĩ Hoài Phương, trong các trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật Nissen tạo nếp gấp đáy vị hoặc phẫu thuật Linx tăng cường sức mạnh cơ thắt thực quản dưới để điều trị dứt điểm trào ngược.
Phi Hồng