Thời điểm cuối năm, TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành thường có xuất hiện mù khô hay sương mù dày đặc vào sáng sớm và chiều tối. Lớp sương mù này lâu tan, thậm chí bao phủ nhiều tòa nhà cao tầng.
Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, mù khô, sương mù dày đặc không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà có thể làm tăng khả năng phát tán các chất ô nhiễm, đặc biệt là nồng độ bụi mịn tăng cao. Tại một số khu vực xảy ra sương mù, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu. "Bụi mịn và trời lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp", bác sĩ Hạnh nói.
Bác sĩ cũng cho biết, không khí ô nhiễm chứa nhiều hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Bụi mịn có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây bệnh hô hấp. Tiếp xúc lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiều nhóm bệnh lý khác.
Với nhóm bệnh lý hô hấp, bụi mịn có thể là tác nhân gây hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh đường hô hấp trên và đặc biệt là ung thư phổi.
Với nhóm bệnh lý tim mạch, phơi nhiễm bụi mịn trong thời gian dài làm tăng nguy cơ tử vong ở những người có bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ não.
Bên cạnh đó, sống và làm việc trong môi trường có nhiều bụi mịn sẽ khiến thần kinh bị ảnh hưởng. Con người thay đổi hành vi, suy giảm khả năng nhận thức, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm lý, dễ cáu gắt.
Bụi mịn còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do làm rối loạn chức năng chuyển hóa.
Ngoài ra, ở trẻ em, không khí ô nhiễm có thể ức chế sự tăng trưởng và giảm chức năng của phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp và làm một số bệnh lý hô hấp nặng hơn, ví dụ như hen suyễn.
Nghiên cứu đăng trên BMC Public Health năm 2018 cho thấy, khoảng 400.000 trẻ sinh non chết vì bụi mịn PM 2.5 (bụi mịn có đường kính khoảng 2,5 micromet) mỗi năm ở các nước EU, đặc biệt là ở những quốc gia có nồng độ PM 2.5 cao. Khi nồng độ trung bình hàng ngày của PM 2.5 tăng lên mỗi 10 μg/m3, tỷ lệ nhập viện của bệnh tim mạch vành tăng 1,89%; tỷ lệ nhập viện của cơn đau ngực do mạch vành tăng 2,25%; tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng 1,85%, và nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp tăng 2,07%. Ngoài ra, cứ giảm 3,9 μg/mL nồng độ PM sẽ làm giảm 7.978 trường hợp nhập viện và tiết kiệm được khoảng 333 triệu USD.
PGS Chu Thị Hạnh nhận định, bụi mịn thường có xu hướng tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm 7-8h và 18-19h. Trong khi đó, khoảng 13-14h và 0-1h, nó có xu hướng giảm xuống thấp nhất. "Lượng bụi mịn phụ thuộc lớn vào lưu lượng giao thông", bác sĩ Hạnh nói.
Những loại bụi mịn PM 2.5 và siêu mịn PM 1.0 thường xuất hiện nhiều ở các khu vực có công trình xây dựng hoặc các nút giao thông đường bộ có lưu lượng xe lớn.
Vì vậy, theo bác sĩ Hạnh, cách chống bụi mịn hiệu quả chính là hạn chế đến những khu vực này vào các giờ cao điểm. Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài, hãy bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang. "Khẩu trang có thể chặn một phần những hạt bụi kích thước 10 μm xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp", bác sĩ nói.
Đồng thời, trong khẩu phần ăn hàng ngày, nên bổ sung các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng như rau xanh và trái cây chứa vitamin A, C... giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp do bụi gây ra. Trang bị máy lọc không khí trong nhà hoặc phòng làm việc để giảm bớt sự ô nhiễm.
Ngoài ra, chính quyền cũng cần có biện pháp thiết thực nhằm giảm sự ô nhiễm môi trường như điều tiết các phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tăng cường phương tiện công cộng, giảm lượng xe máy, trồng nhiều cây xanh...
Châu Vũ