Sỏi túi mật là những tinh thể rắn hình thành do mất cân bằng giữa lượng cholesterol và muối mật trong dịch mật.
BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kích thước sỏi đa dạng. Sỏi dưới 0,6 cm hiếm khi gây ra triệu chứng hay gây hại sức khỏe, rất ít làm tắc ống mật chủ, dẫn đến viêm đường mật hoặc viêm tụy cấp. Sỏi mật đường kính 0,6-1 cm biểu hiện triệu chứng rõ rệt, nguy cơ cao biến chứng. Sỏi lớn thường có đường kính trên 1 cm, từ 1,2 đến 1,4 cm rất nghiêm trọng, cần phẫu thuật để loại bỏ sớm.
Dưới đây là những biến chứng nghiêm trọng do sỏi túi gây ra.
Viêm túi mật cấp là biến chứng thường gặp nhất của sỏi túi mật. Tình trạng này xảy ra do sỏi mật ngăn chặn đường vận chuyển dịch mật tự nhiên, mật tích tụ, kéo căng thành túi mật, gây kích ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, khiến viêm nghiêm trọng hơn.
Người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng cấp tính như đau dai dẳng, dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, nhất là khi chạm vào. Cơn đau có thể lan dần sang vai phải, đi kèm sốt, ớn lạnh.
Hoại tử túi mật xảy ra nếu viêm túi mật cấp tính không được điều trị kịp thời, mủ hình thành bên trong túi mật, gây chết mô.
Nhiễm trùng huyết là biến chứng đáng lo ngại của sỏi túi mật. Mủ hình thành bên trong túi mật làm lây lan viêm nhiễm vào máu, các cơ quan lân cận, có thể toàn bộ cơ thể. Người bệnh cần được điều trị khẩn cấp để tránh tử vong.
Viêm túi mật mạn tính có nguy cơ xảy ra do viêm nhiễm túi mật tái phát, về lâu dài làm thành túi mật dày lên và vôi hóa, ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của cơ quan. Các vết vôi hóa loang lổ, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư túi mật.
Viêm đường mật cấp tính gây đau dữ dội vùng bụng trên, vàng da, có nguy cơ lây lan sang các cơ quan lân cận, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Viêm tụy là biến chứng ít gặp hơn nhưng nguy hiểm do sỏi làm bít tắc lỗ mở ống mật, ngăn dịch tiêu hóa thoát ra ngoài, tổn thương tuyến tụy. Triệu chứng phổ biến như buồn nôn, nôn ói, sốt và đau dữ dội vùng bụng trên. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ung thư túi mật và ung thư đường mật là biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi túi mật. Hai bệnh này có tiên lượng xấu, người bệnh thường chỉ sống thêm được khoảng một năm từ thời điểm phát hiện bệnh, theo bác sĩ Bích.
Theo bác sĩ Bích, khoảng 80% các trường hợp có sỏi túi mật cần can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật mổ mở hay phẫu thuật nội soi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều quan trọng là người bệnh cần theo dõi triệu chứng bất thường để đi khám và điều trị sớm nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.
Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể diễn tiến thành nhiều bệnh nghiêm trọng, gây ra tổn thương không thể phục hồi, đe dọa đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám sớm ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |