Thận đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm điều hòa canxi - phốt pho và chuyển hóa vitamin D từ thức ăn thành dạng hoạt động (dạng vitamin D giúp hấp thu canxi vào xương) để xương chắc khỏe.
BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ở người bệnh thận mạn, thận không còn khả năng lọc thải phốt pho dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ làm tăng nồng độ phốt pho, giảm nồng độ canxi trong máu. Khi canxi máu giảm, tuyến cận giáp (tuyến giúp điều hòa canxi - phốt pho trong cơ thể) tăng tiết hormone PTH (hiện tượng cường cận giáp) nhằm tăng cường giải phóng canxi từ xương vào máu để cân bằng canxi - phốt pho máu.
Khi chức năng thận suy giảm, cơ thể không thể chuyển hóa vitamin D từ thức ăn thành vitamin D hoạt động, làm giảm khả năng hấp thụ canxi vào xương. Những tình trạng này diễn ra lâu ngày gây loãng xương do suy thận mạn hay rối loạn khoáng xương.
Rối loạn khoáng xương do suy thận mạn có thể bắt đầu xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh nhưng cũng có thể sau nhiều năm, các biểu hiện lâm sàng rõ rệt mới xuất hiện. Ở người trưởng thành suy thận mạn, rối loạn khoáng xương biểu hiện qua những cơn đau nhức, châm chích trong xương, đau cột sống, đi đứng yếu, dễ gãy xương dù va chạm nhẹ. Ở trẻ em suy thận, rối loạn khoáng xương làm chậm quá trình phát triển của khung xương, khiến trẻ thấp còi, biến dạng xương, cong vẹo cột sống...
Những rối loạn về khoáng xương ở người bệnh suy thận mạn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lắng đọng khoáng xương, nhất là canxi, gây tổn thương các tổ chức ngoài xương như van tim, mạch máu, cơ, khớp, da... Trong đó, canxi hóa mạch máu là biến chứng nguy hiểm nhất vì dẫn đến các biến cố tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh suy thận mạn.
Bác sĩ Cẩm Tú khuyến cáo người suy thận mạn có chỉ định lọc máu định kỳ cần tham khảo bác sĩ để xây dựng chế độ dinh dưỡng, phác đồ điều trị phù hợp nhằm bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D, hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng loãng xương. Người bệnh cần thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, hạn chế vận động mạnh, tránh té ngã, dừng hút thuốc lá, không uống rượu bia... để tránh nguy cơ gãy xương.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |