Trả lời:
Quả thận bình thường có kích thước tương đương một nắm tay, chiều dài 9-12 cm, bề ngang 4-8 cm, dày 3-5 cm. Thận trái thường lớn hơn thận phải một chút.
Teo thận là tình trạng thận teo nhỏ lại bất thường ở một hoặc cả hai quả thận (phổ biến hơn ở thận bên trái) đi kèm với suy giảm chức năng thận theo thời gian. Thận teo thường được phát hiện trên siêu âm, kèm với giảm hoặc mất sự phân biệt giữa tủy thận và vỏ thận, là một trong những dấu hiệu để chẩn đoán suy thận mạn. Nếu không phát hiện và điều trị sớm nguyên nhân gây teo thận, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng hơn, dẫn đến suy thận mạn diễn tiến nhanh hơn. Lúc này, người bệnh cần chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Có nhiều nguyên nhân khiến quả thận teo nhỏ như bất thường giải phẫu bẩm sinh, hẹp động mạch thận dẫn đến giảm lưu lượng máu nuôi đến thận; sỏi tắc nghẽn, hẹp niệu quản lâu ngày gây ứ nước, nhiễm trùng thận làm teo nhỏ nhu mô thận. Người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, có người thân mắc bệnh thận, bị ngộ độc thận... có nguy cơ teo thận cao hơn.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không phát hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi chức năng thận suy giảm nhiều, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện gồm đau hông lưng, tiểu nhiều lần, tiểu đau buốt, tiểu máu, giảm thèm ăn, ngứa da, cơ thể mệt mỏi, dễ bị chuột rút, phù chân tay. Hiện, không có biện pháp phục hồi chức năng khi thận đã teo nhỏ. Tuy nhiên, điều trị nguyên nhân gây teo thận là cần thiết nhằm tránh có thêm tổn thương thận, diễn tiến suy thận mạn nhanh hơn.
Người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để giảm áp lực cho thận bằng cách giảm ăn mặn (dưới 2 g muối mỗi ngày), giảm đạm động vật. Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, da hay mỡ động vật, hạn chế thực phẩm giàu kali và phốt pho (chuối, xoài, trái cây khô, nước dừa, hải sản, nội tạng động vật...), không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá. Người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nhiễm trùng đường tiểu cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
BS.CKII Hồ Tấn Thông
Khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |