Giãn mạch máu não là tình trạng một số mạch máu trong não giãn rộng, dài ra hoặc phình lên bất thường. Tình trạng này có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, đi kèm với các bệnh lý hoặc dị tật mạch máu não khác. Người từng bị viêm nhiễm hoặc chấn thương ở vùng đầu, mắc các bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu não, dị dạng mạch máu não, u não... có nguy cơ giãn mạch máu não cao hơn.
BS.CKII Đặng Bảo Ngọc, chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh, phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết mạch máu não phát triển bất thường gây chèn ép hoặc ảnh hưởng đến sự tưới máu lên các mô thần kinh xung quanh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ xuất huyết não, đột quỵ nhồi máu não, yếu liệt, động kinh, thậm chí hôn mê hoặc tử vong.
Tăng áp lực nội sọ: Mạch máu phình to làm tăng áp lực trong hộp sọ, dẫn đến đau đầu, nôn mửa, nếu nặng có thể mất ý thức.
Thiếu máu cục bộ mạn tính: Dòng máu đến một số vùng não bị giảm hoặc gián đoạn, gây tổn thương tế bào não lâu dài, ảnh hưởng đến chức năng não.
Tổn thương thần kinh: Áp lực từ mạch máu giãn có thể chèn ép các dây thần kinh sọ, gây ra các triệu chứng như yếu liệt, mất cảm giác vùng chi phối của các dây thần kinh sọ này hoặc rối loạn các chức năng khác như giảm thị lực, chóng mặt, ù tai, mất thính lực...
Đột quỵ nhồi máu não: Giãn mạch làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và tắc nghẽn mạch máu, làm ngừng dòng máu cung cấp đến một vùng não dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
Chảy máu não (đột quỵ xuất huyết não): Thành mạch tại vị trí giãn mạch máu não thường mỏng, dễ vỡ làm máu chảy vào trong mô não. Chảy máu não có thể xảy ra một hoặc nhiều lần (tái phát) làm tổn thương não, gây ra các khiếm khuyết thần kinh như rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt, tử vong đột ngột.
Triệu chứng giãn mạch máu não có thể khác nhau tùy vị trí, kích thước, mức độ giãn mạch máu não. Điển hình như đau đầu, chóng mặt, nghe âm thổi tâm thu, buồn nôn, nôn ói, hoa mắt, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, giảm ý thức, cứng cổ, rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt nửa người.
Để tránh biến chứng do giãn mạch máu não, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị giãn mạch máu não kịp thời. Bác sĩ có thể chỉ định chụp CT, MRI sọ não, khảo sát mạch máu não bằng kỹ thuật DTI, DSA hoặc xét nghiệm dịch não tủy để chẩn đoán giãn mạch máu não.
Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các biện pháp điều trị khác nhau như theo dõi kết hợp dùng thuốc như giảm đau, chống động kinh, liệu pháp phục hồi chức năng để hỗ trợ người bệnh đã bị tổn thương não. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm loại bỏ vị trí giãn, vỡ mạch máu não, tránh làm tổn thương mô não lành, phòng biến chứng.
Hiện, các kỹ thuật, máy móc hiện đại giúp phẫu thuật loại bỏ mạch máu giãn nở, dị dạng hay phình hiệu quả cao. Ví dụ, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng robot AI mổ não Modus V Synaptive, hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI, kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới...
Các thiết bị này hỗ trợ bác sĩ xác định rõ vị trí, phạm vi giãn mạch máu não hoặc khối máu tụ do vỡ mạch máu não, trong mối tương quan với các cấu trúc não và bó sợi thần kinh lân cận. Từ đó, êkíp chủ động lựa chọn vị trí mổ, đường tiếp cận, dễ dàng bóc tách, loại bỏ đúng vị trí giãn mạch máu não, hút hết huyết khối, bảo tồn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |