Bệnh tiểu đường có thể làm phát sinh bệnh bệnh thận do gây ra những tổn thương lâu dài ở các mạch máu trong cơ thể, bao gồm những mạch máu của thận. Mạch máu bị tổn thương do huyết áp cao hoặc bị tổn thương trực tiếp xảy ra ở thận khiến hàng triệu đơn vị lọc nhỏ gọi là nephron có thể bị hư hỏng, không thể phục hồi, ngăn thận lọc chất thải ra khỏi máu, dẫn đến bệnh thận mạn tính do tiểu đường.
Các yếu tố khác có thể góp phần làm khởi phát bệnh thận mạn tính ở người mắc bệnh tiểu đường gồm: lớn tuổi, không kiểm soát được huyết áp và cholesterol, hút thuốc, béo phì, mắc bệnh võng mạc tiểu đường, tiền sử gia đình mắc tiểu đường và bệnh thận.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cả tiểu đường type 1 và type 2 đều có thể gây ra bệnh thận. Cứ ba người trưởng thành mắc tiểu đường thì có một người mắc biến chứng thận mạn tính. Suy thận có xu hướng xảy ra sau 20-30 năm kể từ khi bắt đầu mắc bệnh tiểu đường.
Mặt khác, theo nghiên cứu của Đại học Alberta (Canada), người mắc bệnh thận cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn do sự tích tụ urê trong máu. Urê là sản phẩm phụ tự nhiên được sinh ra của quá trình thận loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi chức năng thận bị suy giảm, urê có thể bắt đầu tích tụ. Nồng độ urê cao ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào beta trong tuyến tụy - chịu trách nhiệm sản xuất, lưu trữ và tiết insulin vào máu. Sự suy giảm hormone này góp phần gây ra bệnh tiểu đường ở người mắc bệnh thận mạn tính.
Bệnh thận do tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tiểu đường. Để điều trị, người bệnh cần kiểm soát đường huyết và điều trị các biến chứng; có chế độ ăn ít protein để ngăn ngừa sự tích tụ urê. Cách giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và biến chứng thận là duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng, tránh thực phẩm nhiều đường và chế biến sẵn. Bỏ thuốc lá, tập thể dục và tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.
Mai Cat
(Theo very Well Health)