Thận có vai trò loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể thông qua chuyển hóa thành nước tiểu. Thận giúp cân bằng kali, axit và muối trong cơ thể. Bệnh thận tiểu đường xảy ra khi đường huyết cao làm hỏng chức năng thận. Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn căn bệnh này.
Người bị bệnh thận do tiểu đường nên hạn chế lượng muối ăn vào. Muối có trong nhiều loại thực phẩm và muối ăn hàng ngày dư thừa có thể gây sưng mắt cá chân, bọng mắt, tăng huyết áp, khó thở và tràn dịch quanh tim, phổi. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận của Mỹ, người bệnh thận nên tiêu thụ không quá 2.300 mg muối mỗi ngày. Hạn chế ăn các gia vị mặn, nước sốt và đồ ăn nhẹ có muối, thực phẩm chế biến sẵn là cần thiết.
Người bệnh nên ăn protein với lượng vừa phải. Mặc dù protein cần thiết cho cơ bắp, phát triển và sửa chữa các tế bào nhưng thận sẽ phải "vật lộn" để loại bỏ chất thải từ chế độ ăn nhiều protein. Chất thải protein dư thừa có thể tích tụ trong máu và gây suy nhược, buồn nôn, chán ăn, thay đổi khẩu vị.
Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ kali và phốt pho vì thận có thể không lọc được lượng khoáng chất dư thừa này. Nồng độ kali cao khiến cơ thể bị suy nhược, tê và ngứa ran. Trong một số trường hợp, kali cao gây ra nhịp tim không đều hoặc đau tim. Mức độ phốt pho cao có thể dẫn đến cơ thể loại bỏ canxi khỏi xương, khiến xương trở nên yếu hơn. Điều này cũng có khả năng dẫn đến lắng đọng canxi làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Người bệnh tiểu đường cần chế độ ăn uống giúp kiểm soát đường huyết và trọng lượng cơ thể nhằm ngăn ngừa bệnh thận và các biến chứng khác. Tránh tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường (ví dụ chocolate, đồ uống có đường) vì có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Người bệnh cũng phải kiểm soát lượng carbohydrate (một thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng) tiêu thụ hàng ngày. Lựa chọn các loại carbohydrate ít có khả năng gây tăng đột biến đường huyết như bánh mì nguyên hạt, trái cây.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra khuyến cáo loại thực phẩm và đồ uống cụ thể phù hợp với người tiểu đường cũng như bệnh thận do biến chứng tiểu đường. Trái cây tốt cho căn bệnh này như quả mọng, nho, anh đào, táo, mận; rau nên ăn súp lơ, hành tây, cà tím, củ cải. Người bệnh nên chọn protein như trứng, hải sản không ướp muối, thịt nạc gia cầm và cá. Carbohydrate gồm bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh quy giòn không muối và mì ống. Đồ uống có lợi là chocolate ăn kiêng và trà không đường.
Người tiểu đường nên thực hiện các phương pháp để duy trì sức khỏe thận và kiểm soát đường huyết. Ví dụ, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải, giữ đủ nước. Người bệnh cần bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, ngủ đủ giấc để hạn chế các biến chứng tiểu đường.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)